Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200 MW (2x600 MW) đã hoàn thiện thủ tục liên quan, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5. Đến nay Nhà máy đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia trên 2 tỷ kWh, bao gồm cả sản lượng điện trong giai đoạn chạy thử nghiệm.
Nhà máy áp dụng công nghệ vòi đốt giảm phát thải NOx; tuabin ngưng hơi truyền thống, quá nhiệt trung gian 1 cấp, trích hơi gia nhiệt nước cấp, thông số hơi đầu vào siêu tới hạn. Nhà máy sử dụng than nhập khẩu với lượng tiêu thụ hàng năm hơn 3 triệu tấn.
Số giờ vận hành bình quân năm khoảng 6.500h/năm, khi đi vào hoạt động, sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ tải khu vực Tây Nam Bộ và hệ thống điện quốc gia.
Doanh thu hằng năm của nhà máy dự kiến khoảng 15 – 20 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tổng doanh thu của Tập đoàn và đóng góp đáng kể cho khoản thu ngân sách của Trung ương và địa phương.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành đảm bảo chất lượng và an toàn là tiền đề quan trọng cho việc triển khai các dự án điện tiếp theo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; trong đó có lĩnh vực điện.
Ngoài ra, là cơ sở quan trọng để đánh dấu sự thành công vượt bậc của các nhà thầu Việt Nam trong việc phát huy nội lực, đảm đương tổng thầu EPC cho các nhà máy điện có quy mô công suất lớn.
Cùng với Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định 2 dự án Nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 2.400 MW là Sông Hậu 1 và Vũng Áng 1; 4 Nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 2.700 MW gồm Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2; 2 Nhà máy thủy điện với tổng công suất 305 MW là Hủa Na, Đakđring.
Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống điện quốc gia.