Đó là chia sẻ của ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam. Theo ông Ahmed Yeganeh, những ý kiến này đã cho thấy một câu chuyện đầy tích cực về tính hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư ngoại.
ASEAN đang nổi lên như một khu vực quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Là ngân hàng toàn cầu với hơn 135 năm hiện diện và hỗ trợ thương mại, đầu tư tại ASEAN, HSBC đánh giá thế nào về vị thế, thế mạnh và thách thức của khu vực này?
Không nghi ngờ gì khi nói ASEAN là một trong những trung tâm kinh tế năng động nhất, đồng thời là một khối thương mại tăng trưởng nhanh nhất thế giới. ASEAN là nền kinh tế khu vực lớn thứ ba tại châu Á, và là nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu. Điều này minh chứng qua mức tăng trưởng 30% của toàn khu vực trong giai đoạn 2011 – 2021, cao hơn mức trung bình 23% của thế giới. Năm 2023, kinh tế khu vực tăng trưởng khoảng 4,3%, vẫn khả quan hơn mức 2,6% của kinh tế toàn cầu.
Tất cả là nhờ những yếu tố cơ bản vững mạnh, mặc cho các thách thức ngoại cảnh như dịch bệnh hay bất ổn địa chính trị. Các nhà lãnh đạo tại ASEAN đã phát huy rất tốt lợi thế của khu vực, đặc biệt là dân số trẻ, năng động, có tinh thần làm chủ, sự bùng nổ tiêu dùng, lợi thế chi phí và công nghệ cao.
Hiện ASEAN có 600 triệu dân, là lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Phân nửa dân số ASEAN phân bố tại các khu vực thành thị, bao gồm 31 thành phố triệu dân. Một phần ba dân số là người trẻ từ 15 đến 35 tuổi. Họ là lực lượng lao động chính, mang theo sự năng động và kiến thức mới góp phần giúp ASEAN trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Dân số trẻ tại ASEAN, đặc biệt là GenZ, sinh trưởng trong thời đại Công nghiệp 4.0, giúp họ rộng đường tiếp cận với công nghệ cao và kiến thức về công nghệ. Họ, lực lượng lao động hôm nay, sẽ sớm trở thành lực lượng tiêu dùng mạnh mẽ của khu vực trong tương lai.
Tuy nhiên, mọi con dao đều có hai lưỡi. Chính do mỗi quốc gia thành viên đều sở hữu di sản đậm đà bản sắc của riêng mình, những khác biệt to lớn vẫn tồn tại trong chính khối ASEAN, từ chính trị, kinh tế và xã hội với những nền văn hóa bản địa mạnh mẽ.
Theo báo cáo "Triển vọng Kết nối Thương mại Á – Âu 2023: Tăng cường kết nối mạnh mẽ" của HSBC, những thách thức mà các nhà đầu tư châu Âu thường gặp phải khi tiến vào thị trường ASEAN mới chính là độ đa dạng cao của các nền kinh tế ASEAN, sự thiếu vắng đồng tiền chung và độ mở cửa của biên giới, các quy định khác biệt của mỗi quốc gia, và vấn đề địa lý.
Vậy những tiềm năng nào sẽ định hình tương lai của khu vực và thu hút nhà đầu tư?
Những tiềm năng quan trọng và nổi bật nhất tại đây mà tôi có thể kể ra ngay chính là FDI, lĩnh vực sản xuất, thị trường tiêu dùng và kinh tế số.
ASEAN là một trong những điểm đến FDI lớn nhất trong các nước đang phát triển. Nhờ thị trường lớn, dân số đông và hợp tác khu vực mạnh mẽ, ASEAN đã trở thành chiếc bánh ngon trong mắt các nhà đầu tư phương Tây, đặc biệt là đầu tư mới trong các lĩnh vực điện tử và thiết bị điện tử, năng lượng và khí đốt, thông tin và truyền thông. FDI vào ASEAN năm 2022 ghi nhận mức kỉ lục 224 tỷ USD, chiếm hơn 17% FDI toàn cầu và vượt qua FDI vào Trung Quốc trong năm thứ hai liên tiếp. Bản thân ASEAN cũng là nguồn đầu tư lớn trong nội khối, chỉ sau Mỹ.
Sản xuất là một điểm sáng khác của ASEAN. Khu vực này hướng đến mục tiêu thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất mới của toàn cầu. Các thành viên ASEAN được hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc+1", khi các tập đoàn đa quốc gia tìm cách chuyển chuỗi cung ứng hoặc dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhằm giảm sự phụ thuộc vào công xưởng thế giới, nhất là sau thời kì Trung Quốc kéo dài phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt hơn do Covid-19. Lực lượng lao động trẻ, ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng, các Hiệp định thương mại tự do và hợp tác quốc tế sâu rộng chính là những động lực cho ngành sản xuất tươi sáng tại ASEAN, điều mà các nhà đầu tư khó bỏ qua.
Xin nhắc lại, ASEAN là một thị trường lớn với đầy đủ kết nối trong và ngoài khu vực, sở hữu dân số trẻ và ngày càng giàu có hơn. Những yếu tố này chắc chắn sẽ định hình một thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn cho kinh tế toàn cầu. ASEAN được dự báo sẽ đạt mức GDP 4,5 nghìn tỷ USD và có 723 triệu dân vào năm 2030. Chúng ta kỳ vọng rằng, cứ mỗi sáu hộ gia đình trong tầng lớp tiêu dùng thế giới sẽ có một hộ đến từ một quốc gia ASEAN. Ngoài ra, những yếu tố như đô thị hóa, hệ sinh thái phát triển dành cho các xu hướng số, sự gia tăng của các thành phố cấp 2, các dịch vụ giá trị gia tăng cao và thương mại xuất khẩu sẽ là động lực thúc đẩy bùng nổ tiêu dùng tại khu vực trong những năm tới.
Nền kinh tế số là một trong những trụ cột của kinh tế toàn cầu trong thời đại này. Những công dân trẻ, yêu thích kỹ thuật số tại ASEAN đã hình thành thói quen mới trong mua sắm và giao dịch, điều sẽ thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế số. Nền kinh tế số ASEAN được dự đoán sẽ đạt giá trị đến một nghìn tỷ USD vào năm 2030, với thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận chuyển, và truyền thông trực tuyến sẽ đạt tăng trưởng ấn tượng. Số hóa là xu hướng gây tác động rộng rãi trong nền kinh tế khu vực, là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, đồng thời thu hút lượng lớn đầu tư trong những năm gần đây và sau này.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài tại ASEAN. Vì sao lại có nhận định này?
Xét về những tiềm năng sẽ định hình tương lai của ASEAN, Việt Nam dường như sở hữu tất cả ưu thế. Việt Nam là một trong những quốc gia nhận nhiều FDI nhất trong khối ASEAN. Năm 2023, FDI vào Việt Nam ghi nhận mức tăng 32,1% so với năm 2022, đó là nhờ độ mở của nền kinh tế, số lượng FTA đa dạng với nhiều thị trường trên thế giới, lợi thế chi phí, và không kém phần quan trọng, những người Việt kiên cường, chăm chỉ và có tinh thần làm chủ. Việt Nam cũng nâng cao bản thân trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thu hút nhiều FDI giá trị cao hơn, cũng như chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để đạt mục tiêu này.
Với dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng, Việt Nam được dự đoán sẽ là thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030. Một yếu tố nữa mà chúng ta không nên bỏ qua chính là tiềm năng kinh tế số của Việt Nam. Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023, và có thể giữ vững vị trí này đến năm 2025. Kinh tế số Việt Nam hiện được dẫn dắt bởi thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và truyền thông trực tuyến. Việt Nam cũng được dự báo sẽ có 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 96,9% người dùng Internet, vào năm 2026. Những yếu tố này đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư thu hút nhất với nhà đầu tư nước ngoài. Và tôi cho rằng đây là những gì chúng ta nên tận dụng và phát huy trong câu chuyện FDI của Việt Nam.
Hợp tác với nhiều doanh nghiệp khắp ASEAN, ông có thể chia sẻ những lo lắng và quan tâm của họ khi đầu tư vào ASEAN và Việt Nam không?
Đầu năm nay, HSBC đã thực hiện cuộc khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại sáu thị trường ASEAN lớn nhất: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các doanh nghiệp này có doanh thu hàng năm ít nhất 150 triệu USD. Được thúc đẩy bởi triển vọng lạc quan ở ASEAN và thương mại nội khối ASEAN mạnh mẽ, 3/4 công ty được khảo sát dự kiến sẽ tăng cường đầu tư vào ASEAN hơn các nơi khác, 2/3 doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang các thị trường ASEAN mới trong năm 2024, trong khi hơn 4/5 dự đoán thương mại nội khối ASEAN sẽ tăng. Mặt khác, họ cũng thừa nhận rằng sự khác biệt về cơ chế kinh tế và xã hội, việc thiếu quan hệ đối tác và nguồn vốn mạnh mẽ đặt ra những thách thức cho chiến lược tăng trưởng của họ.
Xét về quan điểm của các doanh nghiệp trong khu vực đối với Việt Nam, chúng tôi nhận thấy ở hầu hết các thị trường ASEAN, hơn phân nửa người tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh. Tại các quốc gia khác trong khu vực, khoảng từ 74 đến 86% doanh nghiệp cảm thấy tự tin khi phát triển việc kinh doanh của họ tại Việt Nam trong năm nay. Những con số này đã cho thấy một câu chuyện đầy tích cực về tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Thế còn các công ty tại Việt Nam thì sao? Họ cần gì trong quá trình mở rộng và đầu tư của mình?
Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể được xem là một trong những cộng đồng lạc quan nhất ở ASEAN. Gần 90% doanh nghiệp tại đây có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các thị trường ASEAN, và họ rất tự tin vào khả năng phát triển kinh doanh tại các thị trường ASEAN khác. 94% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động thương mại của mình với các nước ASEAN sẽ tăng trong năm nay.
Tuy vậy, họ cũng chỉ ra năng lực công nghệ trong nước và thách thức về chuỗi cung ứng là những rào cản hàng đầu cho các doanh nghiệp tại Việt Nam khi tìm cách mở rộng ra thị trường ASEAN mới, nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kế hoạch cẩn thận và tìm kiếm tư vấn chuyên môn khi đầu tư ra nước ngoài. Những doanh nghiệp này cũng cho biết sự hỗ trợ chuyên nghiệp trong thương mại và chuỗi cung ứng cũng như kết nối với các thị trường khác sẽ rất hữu ích cho chiến lược mở rộng của họ. Đó là những lĩnh vực mà các ngân hàng quốc tế như HSBC có thể hỗ trợ.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN?
Mặc dù sở hữu nhiều đặc tính và lợi thế nổi trội, những yếu tố vô cùng quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư, Việt Nam vẫn cần cải thiện trong một số vấn đề để nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều đầu tiên mà chúng ta nên tập trung chính là cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần nhiều hơn nữa các dự án lớn về sân bay và đường cao tốc, giúp việc kết nối vùng, miền tiện lợi và có thể đáp ứng được lượng lớn hành khách đi lại.
Vấn đề thứ hai chính là thị thực cho người lao động nước ngoài, đây là điều rất quan trọng với các nhà đầu tư khi xem xét lựa chọn thị trường mở rộng kinh doanh. Việc cấp thị thực làm việc cho người nước ngoài tại Việt Nam càng dễ và đơn giản, càng khuyến khích nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam hơn. Thứ ba là cần giải quyết các vấn đề thuế và thủ tục hành chính, như thời gian phê duyệt và quan liêu cũng như đơn giản hóa luật về thuế.
Ông có thể chia sẻ chiến lược của HSBC đối với các doanh nghiệp tại ASEAN không?
Với sự hiện diện hơn 135 năm tại ASEAN, HSBC đã xây dựng mạng lưới rộng lớn trong khu vực tại sáu thị trường tăng trưởng nhanh nhất là Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Là ưu tiên trọng điểm trong chiến lược của Tập đoàn HSBC, ASEAN là thị trường quan trọng mà chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, kết nối và mở rộng thêm nhiều cơ hội. Hiện nay, HSBC đang đầu tư vào khu vực này, tăng cường thêm chuyên môn trong những lĩnh vực như Kinh tế mới và Tài chính bền vững, cũng như số hóa trong thương mại và thanh toán để giúp các khách hàng của chúng tôi, những doanh nghiệp tại ASEAN, tăng trưởng.
HSBC đã ra mắt Quỹ Tăng trưởng ASEAN vào tháng ba, hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp nền tảng số tại ASEAN. Vì sao HSBC lại đặt kinh tế số làm trọng tâm? Ông đánh giá thế nào về kinh tế số Việt Nam?
Rõ ràng là Internet và các thiết bị công nghệ đang thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống của tất cả chúng ta. Các nhân viên GenZ của tôi chia sẻ rằng họ sử dụng điện thoại thông minh và kiểm tra mạng xã hội mỗi ngày. Rất nhiều người trong số đó thừa nhận rằng đó là điều đầu tiên họ làm mỗi sáng. Công nghệ mang lại sự tiện lợi vô vàn cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mọi thứ chúng ta cần đều có được chỉ với một cú click hoặc chạm. Do vậy, kinh tế số chứa đựng tiềm năng và cơ hội to lớn cho bất cứ ai có thể nắm bắt được. Đó là lý do chúng tôi lấy đó là trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh doanh của mình.
Và Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong lĩnh vực này. Như chia sẻ ở trên, tại ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023 và có thể giữ vững vị thế tới năm 2025. Trong năm ngoái, kinh tế số đóng góp 16,5% vào tổng GDP của Việt Nam. Việt Nam cũng có dân số trẻ, am hiểu công nghệ, họ chính là động lực của sự tăng trưởng kinh tế số. Những yếu tố này đã tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam để trở thành một thị trường kinh tế số hấp dẫn mà những nhà đầu tư hay ngân hàng nước ngoài như HSBC không thể làm ngơ.
Quỹ tăng trưởng này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ASEAN và Việt Nam như thế nào? HSBC có những giải pháp nào khác có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt tăng trưởng và mở rộng không?
Quỹ Tăng trưởng ASEAN trị giá 1 tỷ USD của HSBC cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp đang gia tăng quy mô thông qua các nền tảng số trên khắp Đông Nam Á, và tất nhiên là cả Việt Nam. Quỹ hỗ trợ những doanh nghiệp kinh tế mới, các doanh nghiệp lâu đời hơn và các tổ chức tài chính phi ngân hàng thông qua đánh giá các chỉ số hoạt động liên quan đến danh mục tài sản sinh dòng tiền của họ, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào các chỉ số tài chính truyền thống.
Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng là một phần quan trọng trong chiến lược của HSBC. Do đó, chúng tôi đã phát triển đầy đủ các sản phẩm và giải pháp tài chính có thể đáp ứng các nhu cầu đa dạng và phức tạp của doanh nghiệp. Từ giải pháp kết nối doanh nghiệp Host-to-Host, giải pháp thu đa kênh đồng nhất Omni Collect, giao dịch tín dụng thư trên nền tảng blockchain đến các giải pháp tài chính xanh và bền vững, các giải pháp của chúng tôi được xây dựng dựa trên tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm, hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp trên hành trình phát triển và mở rộng kinh doanh.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!