Tài chính

Ấn Độ: Nhiều thách thức chờ chính phủ mới

Cuộc kiểm phiếu diễn ra ngày 4-6 (giờ địa phương) và theo kết quả ban đầu, NDA giành ít nhất 290 ghế và INDIA được ít nhất 234 ghế.

Hạ viện Ấn Độ có 543 ghế và đảng hoặc liên minh nào giành được ít nhất 272 ghế sẽ thành lập chính phủ. Trước thềm cuộc bầu cử, Thủ tướng Narendra Modi nói ông tin NDA do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu sẽ giành được hơn 400 ghế. Trong cuộc bầu cử năm 2019, liên minh này giành được 353 ghế.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đài CNBC hôm 4-6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nước này sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2024 và 6,5% năm 2025. Trong cương lĩnh tranh cử, BJP đặt mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới, tích cực giảm nghèo, mở ra những con đường mới cho tăng trưởng và chống tham nhũng.

Áp phích của Thủ tướng Narendra Modi tại trụ sở của Đảng Nhân dân Ấn Độ ở TP Gandhinagar, bang Gujarat hôm 4-6 Ảnh: REUTERS

Áp phích của Thủ tướng Narendra Modi tại trụ sở của Đảng Nhân dân Ấn Độ ở TP Gandhinagar, bang Gujarat hôm 4-6 Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, chính phủ sắp tới sẽ đối mặt không ít thách thức. Ngay cả khi kinh tế tăng trưởng ấn tượng, cử tri đã chỉ ra sự chênh lệch giữa các thành phố và các khu vực hẻo lánh. Thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ vẫn thấp nhất trong G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới). Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã tăng lên 8,1% vào tháng 4, so với mức 7,4% một tháng trước đó. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Phát triển (Ấn Độ) hồi tháng 4, thất nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của 27% trong số 10.000 người được khảo sát. Ngoài ra, 62% người cho biết họ khó tìm việc hơn trong 5 năm qua. Giá thực phẩm tăng mạnh cũng là một bài toán khó. Kể từ tháng 11-2023, theo thống kê, lạm phát thực phẩm vẫn ở mức trên 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ của ông Modi đã cấm xuất khẩu lúa mì, gạo và hành tây để kiềm chế lạm phát trong nước.

Về đối ngoại, quan hệ với Trung Quốc tiếp tục là mối bận tâm lớn. Hai nước trở nên căng thẳng sau khi xảy ra cuộc đụng độ tại biên giới năm 2020. Vào tháng rồi, Thủ tướng Modi cho biết hai nước nên tìm giải pháp cho "tình hình kéo dài" ở biên giới.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm