Không lâu trước khi bố tôi nghỉ hưu ở tuổi 65, ông ấy đã gọi điện cho tôi để nói với tôi rằng người quản lý mới của ông ấy trong một dự án xây dựng năm nay mới 30 tuổi. Mặc dù người quản lý mới này có bằng cử nhân của MIT và đã làm việc trong lĩnh vực này được một vài năm, nhưng anh ấy vẫn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế. Và trong quá trình làm việc, họ đã xảy ra nhiều xung đột khiến mọi người trở nên khó chịu với nhau.
Các tình huống tương tự như vậy cũng không phải là hiếm. Theo kết quả một cuộc khảo sát năm 2014 của CareerBuilder, 38% các nhân viên có người quản lý trẻ tuổi hơn, với 16% người được hỏi báo cáo rằng sếp của họ trẻ hơn họ trên 10 tuổi. Mặc dù 91% những người được khảo sát không có vấn đề gì với việc có một người quản lý trẻ tuổi, nhưng phần lớn những người cảm thấy có vấn đề (khoảng 55%) lại cho rằng mình biết nhiều thứ hơn, đặc biệt là khi họ đã làm việc có thâm niên, thậm chí là có hàng chục năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, kinh nghiệm không phải là tất cả.
Jenn DeWall, một huấn luyện viên cuộc sống cho thế hệ millennial, cho biết: "Đúng vậy, bạn có thể có nhiều kinh nghiệm hơn, kỹ năng được phát triển tốt hơn; nhưng một nhà quản lý cấp cao nào đó có thể đã nhìn thấy giá trị và tiềm năng ở sếp của bạn. Vì vậy, hãy tin tưởng vào điều đó."
Tất nhiên, trên thực tế có thể có rất nhiều yếu tố khác xảy ra, ví dụ như phân biệt chủng tộc, tuổi tác hoặc giới tính,... Nhưng điều quan trọng là bạn phải mở rộng tâm trí để đón nhận những thứ tích cực hơn, thay vì dựng lên một bức tường ngăn cách với họ ngay lập tức. Nếu bạn không chắc chắn về cách để có thể làm việc với một người quản lý trẻ hơn mình, thì hãy xem các chuyên gia nói gì nhé!
1. Cho phép bản thân tò mò
DeWall từng nói rằng tất cả những người mà bạn gặp đều có thể trở thành giáo viên hoặc học sinh của bạn. Và ở một khía cạnh nào đó, khoảng cách tuổi tác thực sự có thể ảnh hưởng đến những gì chúng ta học hỏi từ nhau. Đó cũng là lý do tại sao cô ấy đưa ra lời khuyên: "Hãy để bản thân thoải mái khám phá mọi thứ xung quanh. Hãy đặt ra những câu hỏi và tìm hiểu về chúng, dù đó là vấn đề cá nhân hay chuyên môn".
Có thể những người quản lý trẻ tuổi sẽ không biết, không hiểu về văn hóa đại chúng cách đây 10 năm trước, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể tìm thấy tiếng nói chung với họ trong một lĩnh vực khác. Chắc chắn, chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng, vì vậy hãy kiên nhẫn và tìm ra chúng. Nếu làm được như vậy, thì môi trường làm việc của bạn sẽ được cải thiện. Cảm giác khó chịu và bực bội vì những định kiến của bạn về sếp sẽ dần tan biến.
2. Thể hiện sự chuyên nghiệp
Tôi sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến việc có một người quản lý trẻ tuổi hơn có thể tạo ra sự thù địch cho một số người. Việc được biết người quản lý mới của bạn trẻ tuổi hơn bạn có thể sẽ là một cú hích lớn, khiến cái tôi của bạn bị tổn thương. Nhưng hãy nhớ điều quan trọng nhất là phải tiếp tục duy trì sự chuyên nghiệp của mình.
Erica McCurdy, MCC, Giám đốc điều hành của TugWaa và Inc and McCurdy Life Coach, Inc cho biết: "Việc nói xấu về một ai đó dù là trước mặt hay sau lưng của họ cũng không bao giờ là điều tốt đẹp, đặc biệt là với người quản lý. Hãy cẩn thận và đừng tự đánh bay các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai của mình".
3. Điều chỉnh kỳ vọng của bạn
Nếu bạn đã làm việc với cùng một người quản lý trong nhiều năm, rồi đột nhiên một người quản lý mới 25 tuổi xuất hiện thì đã đến lúc bạn nên điều chỉnh lại kỳ vọng của mình. Điều đó không chỉ tốt cho người quản lý mới mà còn cho chính bản thân bạn.
DeWall gợi ý rằng bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi như: "Bạn nghĩ sếp của mình cần điều gì? Tại sao bạn nghĩ như vậy? Nó có bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm của bạn với nhà lãnh đạo hoặc tổ chức trong quá khứ không? Kỳ vọng đó còn có thể áp dụng cho tổ chức ở hiện tại hay không?"
Khi một ai đó được đưa vào vị trí quản lý, bất kể họ ở độ tuổi nào, mọi thứ đều sẽ thay đổi. Bạn có thể đột nhiên được yêu cầu thực hiện nhiều hơn những gì bạn đã làm trước đây hoặc có thể người quản lý mới của bạn thoải mái hơn nhiều so với người quản lý trước đó. Bạn phải linh hoạt hơn và sẵn sàng ứng phó với những thay đổi bất ngờ.
4. Đảo ngược mô hình phát triển kỹ năng của bạn
Nghe có vẻ hơi khó hiểu, nhưng theo DeWall "nó đơn giản là phá vỡ suy nghĩ rằng các ông chủ mới là người định hướng sự phát triển của bạn". Hay nói cách khác, bạn phải thực hiện một bước nhảy vọt để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân trước khi người quản lý mới của bạn có cơ hội biến bạn trở thành những gì mà họ muốn bạn trở thành.
DeWall cho biết: "Tất cả chúng ta đều nên thực hành khả năng lãnh đạo và suy nghĩ về cách mà chúng ta có thể làm để hỗ trợ mọi người xung quanh, nhóm và tổ chức phát triển dù ở bất kỳ vị trí nào. Hãy nhớ cùng nhau vươn lên và cái 'tôi' sẽ không bao giờ được phép tồn tại khi làm việc nhóm."
Điều này sẽ là đòn bẩy giúp bạn thật sự tỏa sáng.
5. Hành động theo đúng độ tuổi của bạn
Dù có nhận thấy sự chênh lệch đáng kể về tuổi tác thì cũng đừng cố gắng để biến mình thành một người khác. Việc hành động và ăn mặc như một người trẻ tuổi hơn sẽ không giúp ích được gì cho hiệu quả công việc của bạn. Hãy tận hưởng những gì mà bạn có ở tuổi đó vì nó thật tuyệt vời!
McCurdy chia sẻ: "Hãy sống tích cực và lạc quan. Nhưng đừng cố gắng để hành động như một đứa trẻ. Vì nó có thể sẽ trở thành chủ đề để mọi người đàm tiếu sau lưng bạn." Nếu việc này thật sự xảy ra, thì rất có thể, bạn đang làm việc trong một môi trường vô cùng độc hại. Bởi một môi trường làm việc lành mạnh sẽ không bao giờ xuất hiện những tin đồn về tính cách của thành viên.
6. Đừng hành động như cách bạn hành xử với con cái của mình
Bất kể bạn đang làm gì và có bao nhiêu kinh nghiệm, đừng hành động như bậc làm cha mẹ đối với người quản lý trẻ tuổi của bạn. McCurdy nói: "Mặc dù bạn có thể có nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng sếp của bạn được thuê là có lý do. Trừ khi bạn được yêu cầu, nếu không, hãy tránh những hành động quá phận hoặc đưa ra những lời khuyên không cần thiết."
Có thể theo bản năng, bạn muốn ‘quản lý’ người quản lý trẻ tuổi của mình bằng những kinh nghiệm sẵn có, nhưng đừng làm điều đó. Đừng làm những hành động của cha mẹ đối với con cái và của những người trưởng bối đối với những đứa trẻ trong văn phòng của bạn.
7. Hỗ trợ và giúp họ phát huy những thế mạnh của mình
Dù bạn làm nghề gì, với vai trò là một nhân viên hay một người quản lý thì cũng đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. DeWall khuyên rằng bạn nên hỗ trợ và giúp người quản lý trẻ tuổi của mình phát huy những thế mạnh của họ.
Việc học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển sẽ có lợi hơn rất nhiều cho sự nghiệp và các mối quan hệ trong công việc của bạn. Vì vậy, hãy cân nhắc, tìm hiểu và khám phá con người của họ. Đồng thời, cố gắng tìm cách để kết nối những kinh nghiệm mà bạn có với những điểm mạnh của họ.