Từ tháng 12 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP HCM đã bắt đầu tăng tốc tuyển dụng. Tại Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP), Jabil Việt Nam đăng tuyển 500 công nhân phổ thông với chào mời "thưởng công nhân mới" lên đến 3,3 triệu đồng.
Theo đó, nếu làm việc ngay trước 28/1 thì ứng viên được nhận một triệu đồng. Phần còn lại là các khoản thưởng Tết, lì xì, và sau đủ 3 tháng gắn bó. Cũng tại khu, một số đơn vị khác như Sanofi hay Platel Vina tháng qua cũng nhộn nhịp tuyển nhân viên vận hành nhà máy, nhân viên sản xuất thời vụ. Hay gần đây nhất, Intel Việt Nam cũng đăng tuyển nhiều vị trí kỹ thuật viên sản xuất bậc 1 và 2.
Theo ghi nhận của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, dự kiến trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển khoảng 30.000 lao động. Sau Tết, họ cần thêm 70.000-75.000 lao động. Trong số này, công nghệ thông tin, điện - điện tử là một trong các ngành hàng xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề.
Không chỉ ở TP HCM, báo cáo thị trường nhân sự của Navigos vừa công bố cho biết, tại khu vực phía Bắc, mảng điện tử hiện nay có sự xuất hiện của nhiều dự án nhà máy gia công mới đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên do địa điểm những nhà máy này thường ở các địa phương xa nên doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đồng thời đáp ứng được khả năng ngôn ngữ tiếng Trung thành thạo.
Trên bình diện chung cả nước, mạng tuyển dụng này cũng ghi nhận nhiều công ty nước ngoài gần đầy quyết định đầu tư nhà máy mới tại Việt Nam hoàn toàn qua các thông tin trực tuyến. Kéo theo đó, họ có sự quan tâm đến việc tuyển dụng lao động phổ thông số lượng lớn.
Cùng với lao động phổ thông và có chuyên môn trong các ngành sản xuất công nghiệp, nhân lực IT cũng là một điểm sáng sôi động trên thị trường tuyển dụng. Việc tuyển dụng của ngành này vốn ít chịu bởi đại dịch, và nhu cầu tìm kiếm kỹ sư công nghệ thông tin vẫn tiếp tục tăng cao.
Tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), nhiều doanh nghiệp tiếp tục đăng tin tuyển dụng trong tháng một như TMA, BTM Global, SPS. Navigos đánh giá, các doanh nghiệp IT có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Crypto và Chuỗi khối (Blockchain). Tuy nhiên, nguồn cung lại chưa có nhiều nên dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng trong ngành.
Không chỉ có nhu cầu từ các công ty công nghệ, từ cuối quý IV, mạng tuyển dụng này cũng ghi nhận các công ty tư vấn dịch vụ tài chính tuyển dụng số lượng lớn nhân sự IT, bên cạnh vị trí bán hàng. "Đây được xem là tín hiệu dự báo trong năm 2022 cho thấy nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn trong mảng tại chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao", báo cáo đánh giá.
Có tín hiệu cho thấy, cơ hội việc làm cho lao động ngành sản xuất và công nghệ nói chung từ phổ thông đến trình độ sẽ tiếp tục rộng mở. Ngay trong tháng đầu năm, Nghệ An trao chứng nhận tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên nửa tỷ USD cho Goertek để xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện tử.
Còn theo báo cáo khảo sát do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố, hơn 55% trong số 700 doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh 1-2 năm tới. Hơn 42,5% doanh nghiệp dự kiến duy trì ở quy mô hiện tại.
Báo cáo của Navigos cũng cho hay, thị trường đang xuất hiện các công ty trong mảng IT đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mở văn phòng đại diện hoặc thành lập các trung tâm R&D. Ngoài Hà Nội và TP HCM, các doanh nghiệp IT còn mở văn phòng tại Đà Nẵng.
Riêng trong mảng sản xuất, các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu tìm kiếm các vị trí cấp cao do các ứng viên người Việt đảm trách như Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương hay Giám đốc khu vực Đông Nam Á. "Điều này cho thấy năng lực ứng viên người Việt Nam đã tốt hơn để có thể đảm nhiệm những vị trí tầm khu vực", Navigos đánh giá.