Steven đã mất nhiều Bitcoin hơn bất kỳ ai nắm giữ đồng tiền số này. Lớn lên trên quần đảo Shetland hẻo lánh, anh bỏ học năm 13 tuổi để đi đánh bắt cá, sau đó chuyển sang lĩnh vực xây dựng. Cuối cùng, anh kiếm được 85.000 bảng Anh/năm khi làm thợ đào hầm cho Crossrail. Dù đã có mức thu nhập ổn, nhưng cuộc đời anh đã trở thành địa ngục khi đầu tư tiền số, bê tha vì rượu chè và ma tuý.
Trong khi không tỉnh táo, anh đã làm mất "địa chỉ" của 5-10 Bitcoin trị giá tới 300.000 bảng và không thể tìm lại được. Trước đó, Steven đã sớm phát hiện ra tiềm năng của Bitcoin, anh chia sẻ: "Tôi đã nghiên cứu và học hỏi. Tôi đã tự học cách trở thành một trader giỏi và quản lý tài khoản của mình, tuân theo những quy tắc của mình."
Hiện tại, Steven đang trong quá trình hồi sức tại Castle Craig, Scotland. Anh lo ngại rằng nhiều người trẻ tuổi đang bị thu hút bởi những giao dịch đầy rủi ro và có khả năng "nghiện" làm giàu theo cách đầy sai lầm giống anh. Anh nói: "Cả 1 thế hệ đều nghĩ rằng, họ có thể giàu lên nhờ 1 chiếc điện thoại. Điều này làm tôi sợ hãi."
Steven chia sẻ thêm: "Khi đó, tôi tất tay như một tay chơi poker, cho rằng mình đang có một ván bài hoàn hảo. Sức hút của đồng tiền khiến tôi nghĩ rằng mình sẽ sớm trở thành tỷ phú Bitcoin."
Sự lo lắng của Steven một phần đến từ việc tiền số tăng trưởng quá nhanh chóng. Khi anh bắt đầu đầu tư vào năm 2015, tiền số gần như không có ý nghĩa gì với hầu hết mọi người. Giờ đây, loại tài sản này đang được "ca ngợi" cho một sự thay thế mang tính dân chủ hơn cho hệ thống tài chính hiện tại.
Theo Guardian, năm ngoái, các công ty tiền số đã tung ra một đợt khuyến mại lớn kỷ lục, nhắm đến mục tiêu là hàng triệu người đi làm. Họ có hơn 40.000 biển quảng cáo ở các ga tàu điện ngầm, trong toa tàu và xe buýt 2 tầng. Đây là những cái tên khá xa lạ với người dùng, như Hex Kraken và Puglife.
Trong khi đó, một số người nổi tiếng gần đây cũng bị cáo buộc vì tiếp tay cho hoạt động quảng cáo đầu tư tiền số. Kim Kardashian West và võ sĩ quyền anh Floyd Mayweather Jr đã bị kiện vì quảng cáo cho công ty tiền số Ethereum Max khi đăng tải những tuyên bố gây sai lầm khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng.
Chính phủ Anh liên tục lên tiếng cảnh báo về rủi ro thua lỗ khi giao dịch tiền số, trong khi 1 số nền tảng hỗ trợ giao dịch loại tài sản này vẫn được hoạt động vì mô hình tương tự với hình thức truyền thống. Thậm chí, nhiều công ty và quỹ đầu tư tài sản số còn không thể đảm bảo họ có đủ tiền để trả cổ tức nhưng vẫn kêu gọi đầu tư một cách mù quáng.
Để theo dõi về những đồng tiền số được quảng cáo rầm rộ, Guardian đã tạo một danh mục có Bitcoin, Ether và Shiba Inu. Khi Bitcoin sụt giảm vào cuối năm 2021 và tiếp tục đà này vào năm 2022, tài khoản Twitter của ứng dụng giao dịch eToro vẫn chia sẻ những nội dung đầy lạc quan. Bài đăng chia sẻ hôm giá Bitcoin đi xuống: "Có phải Bitcoin đang chuẩn bị lập đỉnh nữa hay không? Chúng ta đã từng chứng kiến sự hồi phục trước đây, nhưng có phải lần này sẽ đưa Bitcoin lên ‘mặt trăng’?"
Tiến sĩ Anna Lembke - giáo sư ngành tâm thần tại Trường Y Đại học Stanford, lý giải: "Đó là một chiến lược tiếp thị của họ. Họ đang khuyến khích bạn cố gắng để chiến thắng, bỏ qua những trận thua và tạo suy nghĩ sai lầm là sẽ có nhiều thành quả hơn ở phía trước."
Khi được hỏi về vấn đề này, eToro cho biết họ "cam kết giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ tương tác với nhau và thúc đẩy một môi trường có sự học hỏi, hỗ trợ nhau". Theo CEO tại Anh của công ty - Dan Moczulski, một số người dùng để tài khoản của họ ở chế độ công khai để "hiển thị toàn bộ các khoản đầu tư dù có sinh lời hay không."
Song, Tiến sĩ Lembke lo ngại rằng yếu tố truyền thông xã hội sẽ thúc đẩy sự ép buộc trong giao dịch tiền số, tương tự như tâm lý gây nghiện khi chơi cờ bạc. Bà nói: "Khi bạn kết hợp phương tiện truyền thông xã hội với các nền tảng tài chính, một loại thuốc mới thậm chí còn mạnh hơn sẽ được tạo ra."
Các bài đăng trên mạng xã hội thường đề cập đến tâm lý FOMO để thôi thúc người dùng tiếp tục tham gia. Bà Lembke cho hay: "Tâm lý đám đông hình thành khi mọi người nói với nhau về diễn biến của thị trường, họ muốn cùng nhau thắng, cùng nhau thua."
GamCare - điều hành đường dây trợ giúp tư vấn về cờ bạc tại Anh, cho biết họ nhận được khoảng 20 cuộc gọi mỗi tuần liên quan đến tiền số. Những người gọi điện nói rằng họ đã giao dịch tới 16 giờ/ngày và thua lỗ rất lớn, phải vật lộn với cảm giác đầy tội lỗi. Thậm chí, GamCare còn tư vấn cho những bệnh nhân trẻ tuổi đã mua tiền số vì quá tuyệt vọng để kiếm tiền, đạt được sự thăng tiến trong nấc thang tài sản và mất hết tiền tiết kiệm.
Tham khảo Guardian