Nếu là fan của chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia, chắc hẳn bạn sẽ không quên được trận chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 14 giữa 4 "nhà leo núi": Nguyễn Ngọc Anh (THPT Cầu Xe, Hải Dương), Vũ Tiến Đạt (THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Điện Biên), Nguyễn Hoàng Bách (THPT Năng Khiếu, TP.HCM) và Nguyễn Trọng Nhân (THPT Chuyên Tiền Giang, Tiền Giang).
Tại cuộc thi năm đó, có một câu hỏi thí sinh Hoàng Bách đã gây tranh cãi kịch liệt. Thậm chí đến thời điểm hiện tại, nó thỉnh thoảng vẫn bị đào lại để bàn luận.
Cụ thể, tại vòng thi Về đích, nam sinh này chọn gói câu hỏi 80 điểm gồm 1 câu 10 điểm, 2 câu 20 điểm và 1 câu 30 điểm. Ở câu 3 (20 điểm), thí sinh này đã nhận được câu hỏi: "Vì sao dung dịch muối có tính sát trùng?".
Nam sinh này đưa ra câu trả lời: "Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết".
Sau câu trả lời này của Hoàng Bách, MC Tùng Chi - người dẫn chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia khi ấy, đã đề nghị ban cố vấn của chương trình có ý kiến. PGS.TS Vũ Quốc Trung thông báo câu trả lời của Hoàng Bách "chưa chấp nhận được" và đương nhiên nam sinh không được cộng điểm.
Thay vào đó, đáp án chính xác từ phía chương trình đưa ra là: "Dung dịch nước muối có nồng độ muối lớn hơn nồng độ muối trong tế bào của vi khuẩn. Cho nên do hiện tượng thẩm thấu thì muối đi vào tế bào làm nồng độ muối trong tế bào tăng lên đẩy nước từ trong tế bào ngược trở lại trong vi khuẩn làm cho quá trình nước trở lại tế bào từ vi khuẩn được đầy ra ngoài. Vi khuẩn vì vậy mất nước và bị tiêu diệt".
Tuy nhiên hậu chương trình, nhiều giáo viên cho rằng câu trả lời mà Hoàng Bách lúc đấy hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi cậu đã vận dụng kiến thức về quá trình thẩm thấu trong chương trình Sinh học lớp 10.
Cụ thể, giáo viên chỉ ra khi so sánh câu trả lời của thí sinh với đáp án của BTC thì điểm chung là vi khuẩn bị mất nước rồi chết. Điểm khác nhau là câu trả lời của Hoàng Bách không giải thích chi tiết hiện tượng thẩm thấu, nam sinh chỉ nói rằng tế bào đặt trong môi trường ưu trương thì mất nước. Trong khi đáp án của BTC thì giải thích chi tiết về hiện tượng thẩm thấu.
Đáng nói hơn, nếu câu trả lời của Hoàng Bách được chấp nhận, cậu sẽ san bằng điểm số với đối thủ Trọng Nhân - Quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 14. Lúc này, cục diện trận đấu hoàn toàn có thể thay đổi.
BTC phải mở họp báo đính chính
Trước những phản hồi trái chiều từ dư luận, BTC, ban cố vấn cùng các thí sinh tham gia trận Chung kết đã mở một cuộc họp và đưa ra quyết định.
Theo PGS.TS.NGƯT Lê Đình Trung (cố vấn môn Sinh học): "Câu hỏi này muốn giúp người đọc và người thi nắm được 4 khái niệm: Hiện tượng co nguyên sinh và hậu quả hiện tượng đó trong tế bào, cơ chế thẩm thấu của nước, cơ chế điều hòa áp suất thẩm thấu, vai trò sinh lý của nước trong tế bào.
Dựa trên những khái niệm này có thể trả lời câu hỏi như sau: Môi trường dung dịch muối ion Na là môi trường ưu trương dẫn tới nước thấm từ tế bào ra ngoài theo cơ chế thẩm thấu để điều hòa nồng độ. Cơ chế này xảy ra dễ dàng theo cách đi từ thế nước cao ở trong tế bào đến môi trường thế nước thấp trong dung dịch muối, dẫn đến hiện tượng co nguyên sinh. Vai trò sinh lí của nước hiện nay không còn dẫn đến tế bào ngừng trao đổi chất".
Theo PGS.TS.NGƯT Lê Đình Trung, Bách mới nói được nguyên nhân do ưu trương dẫn tới kết quả là vi khuẩn chết. Chưa nêu được cơ chế tại sao trong môi trường ưu trương, nước rút ra bằng cơ chế nào. Vậy câu nói của Bách chưa đầy đủ cho nên chưa cho điểm được.
Kết quả cuối cùng, BTC giữ nguyên đáp án như đã công bố và không công nhận phần trả lời của Hoàng Bách. Ngôi vị Quán quân năm đó thuộc về Trọng Nhân vẫn được giữ nguyên.
Tổng hợp