Theo Nghị quyết thường kỳ tháng 1 của Chính phủ, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân để gỡ khó cho đời sống người dân. Đây cũng là yêu cầu Quốc hội giao tại kỳ họp tháng 6/2023.
Hiện giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng, giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu, duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, 11 triệu được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế. Mức giảm trừ này bị nhiều chuyên gia cho là lạc hậu, không theo kịp mức sống người dân.
Nói tại họp báo quý I chiều 29/3, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, cho biết việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh căn cứ vào sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%. Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định khi CPI biến động trên 20% so với lúc luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Theo ông, thực tế Việt Nam đã điều chỉnh mức giảm trừ này trong các năm 2012 (từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng một tháng) và năm 2020 (từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng một tháng).
Ông Tuấn nói từ 2020 đến nay, qua theo dõi, CPI chưa biến động đến mức 20% nên Bộ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến chỉ số này để có đề xuất theo quy định. Ông cũng nói khi sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân (lộ trình 2025), Bộ sẽ sửa các nội dung liên quan, trong đó, có mức thu nhập chịu thuế, tính thuế, giảm trừ gia cảnh.
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.
Liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, bà Nguyễn Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết đơn vị đã hoàn thành thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm.
Đơn vị này đã công bố công khai kết luận thanh tra của Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi vào đầu tháng 2 trên cổng thông tin của Cục. Bà cũng cho biết ngoài công khai trên website, Cục còn công khai qua cuộc họp với thành phần gồm người ký quyết định thanh tra, cá nhân, tổ chức liên quan.
Các sai phạm chính của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu liên quan đến ban hành quy chế, giám sát đại lý bảo hiểm chưa đúng quy định; quản lý và sử dụng đại lý bảo hiểm còn sai phạm; hạch toán, kế toán còn sơ suất.
Các vi phạm hành chính đã được xử phạt. Hiện cơ quan này phối hợp với Cục Thuế để xử lý những vấn đề liên quan đến nợ thuế.
Năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có hai đơn vị bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với ngân hàng là Mirae Asset Prévoir và Cathay Life Việt Nam. Cùng với thanh tra, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm trường hợp phát hiện các đại lý bảo hiểm sai phạm.
Thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bán qua ngân hàng (bancassurance), vừa qua tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái. Chẳng hạn, ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa sản phẩm này với gửi tiết kiệm.
Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm đa dạng, nhưng dịch vụ này khiến thị trường phức tạp hơn và cần chấn chỉnh.