Chiều 29-3, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ" với sự tham gia của hơn 50 đại biểu là cán bộ Công đoàn cấp trên và cơ sở, đại diện các sở, ngành có liên quan ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ngọ Duy Hiểu nhận định Dự án Luật BHXH có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động. Tuy nhiên, quá trình tham gia, nghiên cứu, Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận thấy một số quy định trong Dự thảo Luật BHXH chưa rõ ràng và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Tiêu biểu như quy định về chính sách thai sản, chính sách BHXH một lần, chế độ hưu trí…
"Từ thực tiễn hoạt động, tôi mong các đại biểu sẽ đề xuất giải pháp tháo gỡ và triển khai hiệu quả Luật BHXH tới người lao động, hướng tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia là bảo đảm hệ thống BHXH hiện đại để thúc đẩy công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đây sẽ là cơ sở để Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Quốc hội ban hành các chính sách về BHXH phù hợp đối với lao động nữ trong thời gian tới" - ông Hiểu nhấn mạnh.
Góp ý tại hội thảo, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM cho rằng, đang có bất cập trong quy định hiện hành về vấn đề lao động nữ đi làm sớm khi vẫn trong thời gian được nghỉ hưởng chế độ thai sản.
Cụ thể, trường hợp lao động nữ trở lại làm việc sau khi nghỉ thai sản 4 tháng phải tham gia BHXH. Đây là điều bất hợp lý bởi Luật BHXH quy định lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được ghi nhận là thời gian tham gia BHXH. Nếu buộc lao động đóng BHXH từ 4 tháng tức là phát sinh thời gian đóng trùng BHXH. "Khó khăn lắm, họ mới phải đi làm sớm nhưng lại phải đóng BHXH cho thời gian được ghi nhận tham gia BHXH thì tôi thấy rất thiệt thòi"- ông Triều nêu.
Còn ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2, tỉnh Đồng Nai) cho biết điều kiện để hưởng chế độ thai sản là lao động nữ phải đóng đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp chỉ đóng được 4 hoặc 5 tháng trước khi sinh con, theo luật thì họ không được hưởng chế độ gì, như vậy khá thiệt thòi. "Theo tôi với những trường hợp này, nên chăng bổ sung quy định lao động nữ nếu đóng BHXH không đủ 6 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản theo số tháng đóng, tỉ lệ hưởng thấp hơn so với những người đóng đủ 6 tháng trở lên để hỗ trợ họ trong giai đoạn khó khăn, không thể đi làm" - ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng đề xuất tăng số lần khám thai định kỳ thay vì 5 lần trong suốt thai kỳ như quy định trong dự thảo bởi thực tế, số lần khám thai trong thời gian mang thai bình quân là 1 lần/tháng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần chính sách khác biệt tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới; nâng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện; tăng thời gian nghỉ thai sản đối với trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 2 tháng...
*Chiều cùng ngày, LĐLĐ quận 10, TP HCM cũng đã tổ chức Hội nghị "Thực trạng và giải pháp kéo giảm nợ BHXH của các doanh nghiệp".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc BHXH quận 10 thông tin, đơn vị hiện đang quản lý 3.735 đơn vị, doanh nghiệp với 70.421 lao động, số thu BHXH, BHYT, BHTN hàng năm hơn 2.400 tỉ đồng, việc thu đúng, thu đủ, kịp thời BHXH, BHYT, BHTN là cơ sở để giải quyết chế độ cho người lao động.
"Trong thời gian qua, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành cũng như quyền lợi của nguời tham gia. Tính đến 25-3-2024, quận 10 có 1.017 đơn vị nợ BHXH với số tiền trên 137,399 tỉ đồng" - bà Trinh nói.
Theo đó, việc người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động, đơn cử như không nhận được trợ cấp thất nghiệp, không được cơ quan BHXH chi trả các chê độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất… Thậm chí, không thể chốt đuợc sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Đồng nghĩa với việc tất cả các chế độ đóng trước đó mà người lao động đáng đuợc hưởng đều bị treo. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh đòi quyền lợi rất khó khăn, kéo dài nhiều năm mà phần yếu thế thuộc về người lao động.
Tại hội nghị các đại biểu đề xuất, cần tăng cường hơn nữa trong công tác hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng VssID – BHXH số. Từ đó, có thể chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cũng cần được quan tâm hơn nữa, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động cũng như ý thức chấp hành pháp luật của nguời sử dụng lao động.
Về phía các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan, cần thường xuyên kiểm tra, đối chiếu và đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật BHXH. Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ công tác liên ngành, tăng cường thanh kiểm tra, đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, để kịp thời phát hiện, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh chủ đề nợ đọng BHXH, tại hội nghị các đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng doanh nghiệp lách luật để giảm bớt mức thu nhập đóng BHXH của người lao động, hướng xử lý doanh nghiệp nợ bhxh, đề xuất tăng tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc để người lao động được hưởng lương hưu cao hơn…