Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I/2024 của Tổng Cục thống kê (GSO), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, tăng lần lượt 6,12% và 6,28% so với cùng kỳ năm trước trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%.
Tăng trưởng quý I đang sát với kịch bản đề ra
Chia sẻ tại họp báo của GSO sáng nay, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, theo kịch bản của Nghị quyết 01, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6% - 6,5%. Trong đó, quý I có mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%. Như vậy, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%).
Tuy nhiên giữa các khu vực có sự dịch chuyển so với kịch bản ban đầu, cụ thể: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực 6,28% (riêng công nghiệp tăng 6,18%), cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết 01.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng của cả 2 kịch bản tăng trưởng (3,0% đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản; 6,3% và 6,5% đối với công nghiệp và xây dựng).
“Với diễn biến kinh tế của 3 tháng đầu năm, có thể nói khu vực công nghiệp đã có những kết quả tốt hơn so với kỳ vọng. Trái lại khu vực dịch vụ chưa có sự bứt phá và đóng góp tốt vào tăng trưởng như kịch bản điều hành. Tuy nhiên, trước bối cảnh của kinh tế trong nước và thế giới, con số tăng trưởng 5,66% là một bước khởi đầu tích cực cho kinh tế năm 2024 của Việt Nam.”, bà Hạnh nhìn nhận.
Vẫn tiềm ẩn các rủi ro
Nhận định về dữ liệu tăng trưởng quý I, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng dù có sự khởi sắc trên nền tăng trưởng thấp của năm ngoái, song kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn tiềm ẩn các rủi ro, đề nặng lên giải pháp tăng trưởng từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, theo ông Việt, với xu thế tích cực của quý I, nếu Việt Nam tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh (miễn giảm thuế, giảm lãi suất cho vay,...) và chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước thì xu thế khởi sắc về tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sẽ được lan tỏa trong các quý tiếp theo.
Tuy vậy, trước diễn biến phức tạp khó lường của kinh tế toàn cầu, phục hồi tăng trưởng chậm cùng với những áp lực từ giá cả, lạm phát và xu hướng giảm cầu tiêu dùng, thương mại trong nước và quốc tế vẫn là những trở ngại, thách thức lớn trong điều hành và phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Với những căng thẳng địa chính trị chưa rõ thời điểm kết thúc thì áp lực phải duy trì nền lãi suất cao, biến động về tỷ giá, thậm chí là biến động của những tài sản thường được sử dụng như đầu tư như vàng cũng gây áp lực cho khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Việt nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, dù lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, song trong năm 2024 có một số mặt hàng nhất định như điện, y tế, giáo dục, xăng dầu có sự tăng giá hơn so với năm 2023 sẽ tạo áp lực cho lạm phát 2024. Điều này sẽ làm hẹp dư địa chính sách để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước
“Chúng ta cần duy trì lãi suất phù hợp trong thời gian dài để cho các ngân hàng có thể cung ứng vốn cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất. Điều này phụ thuộc vào việc có duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định tỷ giá”, ông Việt lưu ý.
Cập nhật dự báo tăng trưởng GDP năm 2024
Căn cứ kết quả hoạt động kinh tế trong nước và diễn biến kinh tế thế giới trong quý I/2024, Tổng cục Thống kê cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng theo Nghị quyết 01.
Kịch bản 01, (năm 2024 tăng 6%): Quý I tăng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó quý II tăng khoảng 5,85%; quý III tăng khoảng 6,22%; quý IV tăng khoảng 6,28%.
Kịch bản 02 (năm 2024 tăng 6,5%): Quý I tăng khoảng 5,66%; 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó quý II tăng khoảng 6,32%; quý III tăng khoảng 6,79%; quý IV tăng khoảng 7,08%.
“Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ, bám sát các mục tiêu và giải pháp đã được để ra trong Nghị quyết 01 và tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực”, bà Hạnh nêu rõ.
Trước đó, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, dù giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của cả năm 2024 ở mức 6,7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6,2% trong nửa đầu năm lên mức 6,9% trong nửa cuối năm nay, song ngân hàng Standard Chartered cũng thận trọng trước tổng quan tăng trưởng của nửa đầu năm do những thách thức đến từ thương mại toàn cầu.