Thời sự

Sau Bạch Mai đến Bệnh viện K Trung ương xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện

GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết sau 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, bệnh viện này đã gặp nhiều khó khăn, do đó mong muốn của bệnh viện là được chuyển sang thực hiện tự chủ theo nhóm 2 ở Nghị định 60.

Theo ông Quảng, dù thực hiện tự chủ tài chính toàn diện nhưng bệnh viện không được tự quyết về giá mà vẫn phải theo khung giá chung. Giá dịch vụ theo yêu cầu cũng phải tính theo khung giá nhưng đến nay Bộ Y tế chưa ban hành khung giá này. Theo quy định, bệnh viện được đầu tư nhưng quan trọng nhất là chưa có nguồn vốn để đầu tư.

Sau Bạch Mai đến Bệnh viện K Trung ương xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện - Ảnh 1.

Bệnh viện K Trung ương

GS Quảng cho biết về lý thuyết, việc tự chủ có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, đặc biệt là ngành y - việc tự chủ toàn diện sẽ chưa phù hợp tại thời điểm hiện nay mà cần có lộ trình. Nếu tự chủ toàn diện thì phải có nguồn thu mà thu từ người bệnh thì sẽ rất khó khăn cho họ. "Chúng tôi là bệnh viện tuyến cuối, chuyên điều trị bệnh ung thư, căn bệnh phải điều trị lâu dài, tốn kém và đa phần bệnh nhân là người nghèo"- ông nói.

Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết trong 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, bệnh viện chưa mua thêm được hệ thống máy móc trong chẩn đoán và điều trị. Tương tự như Bạch Mai, Bệnh viện K cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu thí điểm cùng lúc dịch Covid-19 bùng phát. Bệnh viện bị phong toả cùng với số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh do dịch bệnh, nguồn thu sụt giảm 35-40%, tương đương khoảng 1.300 tỉ đồng.

Bệnh viện K Trung ương là một trong 4 bệnh viện cả nước được giao thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Tuy nhiên, đến nay chỉ có Bệnh viện Bạch Mai và K thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33.

Nghị quyết 33 ban hành năm 2019, giao bệnh viện tự chủ toàn diện, tức được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá được Bộ Y tế ban hành; kê khai, công khai giá theo quy định pháp luật. Bệnh viện quyết định quy mô, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, thực hiện mô hình như doanh nghiệp, có hội đồng quản lý mà không cần thông qua Bộ Y tế.

Nghị định 60 ban hành năm 2021 quy định về tự chủ tài chính, bao gồm: Danh mục và giá, phí dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại chi tiết hơn mức độ tự chủ tài chính; cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định các nguồn tài chính của đơn vị... Trong đó nhóm hai không cần tự đảm bảo chi phí đầu tư như nhóm một, chỉ tự đảm bảo các khoản chi thường xuyên như lương, các khoản góp theo tiền lương, hoạt động chuyên môn, phí quản lý...

Trước đó, ngày 18-8, tại buổi làm việc với Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, đại diện Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện tự chủ tài chính về chi thường xuyên.

Tại cuộc họp với Thủ tướng và các bộ ngành mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. Nhiều ý kiến cho rằng việc chưa thể thực hiện tự chủ toàn diện là do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ; chưa có khung giá dịch vụ y tế theo yêu cầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm