Công nghệ

Facebook phải trả 37,5 triệu USD vì theo dõi vị trí người dùng

Tháng 11/2018, một đơn kiện tập thể được gửi lên tòa án San Francisco, cáo buộc Facebook vi phạm quyền riêng tư khi tự động thu thập dữ liệu vị trí của người dùng mà chưa được chấp thuận. Ngay cả khi tắt định vị GPS, Facebook vẫn tìm cách theo dõi thông qua địa chỉ IP và sử dụng thông tin đó để phục vụ quảng cáo hướng mục tiêu.

Thỏa thuận dàn xếp sơ bộ giữa Meta, công ty mẹ của Facebook, và bên khởi kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang San Francisco ngày 23/8. Việc thỏa thuận sẽ hoàn tất sau khi có sự chấp thuận của thẩm phán.

CEO Meta Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters

CEO Meta Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters

Trong số 37,5 triệu USD được chi trả, đội ngũ luật sư hỗ trợ khởi kiện hưởng 30%, chủ yếu là chi phí pháp lý. Phần còn lại dành cho người dùng Facebook tại Mỹ sử dụng mạng xã hội này sau ngày 30/1/2015, nhưng chưa rõ cách thức đền bù.

Đại diện Meta phủ nhận các hành vi sai trái nhưng không bình luận về việc dàn xếp vụ kiện.

Trước đó, vào tháng 6/2018, tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, CEO Mark Zuckerberg từng thừa nhận việc Facebook thu thập dữ liệu vị trí là nhằm "giúp nhà quảng cáo tiếp cận mọi người ở các khu vực cụ thể tốt hơn". Ông ví dụ, một người dùng muốn ăn tối tại một nhà hàng cụ thể có thể được gợi ý vị trí các nhà hàng gần đó từ bạn bè hoặc nhà quảng cáo.

Nếu được tòa án liên bang San Francisco chấp thuận, đây sẽ là vụ dàn xếp mới nhất của Meta sau các bê bối đã gây ra. Tháng 2/2021, công ty của Zuckerberg cũng đồng ý một thỏa thuận trị giá 650 triệu USD cho vụ kiện tập thể từ người dùng ở Illinois, tố Facebook tạo và lưu trữ bản quét khuôn mặt của họ mà không được phép. Khi đó, gần 1,6 triệu người dùng Facebook của bang này đã nhận được 397 USD mỗi người.

Vào tháng 6, tòa án quận ở California chấp thuận dàn xếp sơ bộ cho một vụ kiện tập thể khác nhằm vào Meta. Công ty bị cho là theo dõi hoạt động của người dùng kể cả khi họ không truy cập Facebook và phải bồi thường tổng số tiền 90 triệu USD. Việc dàn xếp sẽ được phê duyệt chính thức vào cuối tháng 10.

(theo Cnet)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm