Ngày 24.4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An (khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025) tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và Đề án hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An.

Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Tây Ninh mới sẽ được đặt tại TP.Tân An (Long An) hiện nay
ẢNH: B.B
Theo đó, các đại biểu thống nhất cao với phương án thành lập tỉnh mới trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Long An và Tây Ninh hiện hữu, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trực thuộc T.Ư. Tỉnh Tây Ninh mới có diện tích tự nhiên là 8.536,5 km2 (đạt 170% so với tiêu chuẩn), dân số hơn 3,3 triệu người (đạt 234,9%), dự kiến có 96 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (Long An đóng góp 60 xã).
Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới tại TP.Tân An (Long An). Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động điều hành, quản lý hiệu quả và giảm thiểu khó khăn trong giai đoạn đầu hợp nhất, tỉnh Tây Ninh mới vẫn sẽ có sự bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh với số lượng hợp lý làm việc tại TP.Tây Ninh. Đây là một trong những giải pháp nhằm duy trì sự liên tục trong hoạt động của hệ thống chính trị, hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức trong sinh hoạt và công tác. Về số lượng cụ thể và nhiệm vụ công tác sẽ được thống nhất, thông báo sau.

Hội nghị do ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Thanh Hải, phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Út, phó bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì
ẢNH: CTV
Ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Long An nhấn mạnh, việc đổi mới tổ chức bộ máy phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư. Ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát trụ sở, cơ sở vật chất, tài chính, trang thiết bị... để có phương án xử lý, tránh lãng phí, đồng thời sẵn sàng bàn giao khi Quốc hội thông qua các Đề án sáp nhập này.
Dự kiến, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Tây Ninh mới sẽ được triển khai từ ngày 1.7.2025, làm cơ sở để tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp xã tại các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.