Vàng liên tục biến động mạnh
Cùng với biến động mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng ghi nhận những biến chuyển đáng chú ý trong các phiên giao dịch gần đây.
Ngày 22/4, vàng miếng SJC đạt mức đỉnh lịch sử với giá 122 triệu đồng/lượng (mua vào) và 124 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, đà tăng nóng nhanh chóng chững lại do áp lực chốt lời và những biến động từ thị trường quốc tế.
Đến chiều ngày 23/4, giá vàng miếng SJC giảm mạnh, mất 5,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 4,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, đưa mức giá về 116,5-119,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Người dân xếp hàng chờ giao dịch vàng trong những ngày giá biến động mạnh
Chỉ sau một đêm, giá vàng trong nước tiếp tục ghi nhận đà tăng mạnh. Sáng 24/4, Công ty CP Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) bất ngờ nâng giá vàng miếng lên 119-121,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2 triệu đồng/lượng so với giá chốt phiên ngày 23/4.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng tương đương với SJC, đạt 119-121,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Công ty CP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) công bố giá vàng nhẫn ở mức 113,5-116,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn đạt 117-120 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
So với giá chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, giá vàng miếng SJC đã tăng 44,2% ở chiều mua vào và 43,79% ở chiều bán ra. Giá vàng nhẫn PNJ tăng lần lượt 37,57% và 38,2% ở hai chiều mua vào và bán ra. Vàng nhẫn của Bảo Tín Minh Châu cũng ghi nhận mức tăng 41,8% ở chiều mua vào và 42% ở chiều bán ra. Tương tự, vàng miếng DOJI tăng 44,2% ở chiều mua vào và 43,7% ở chiều bán ra.
Đà tăng mạnh của giá vàng từ đầu năm 2025 đã thu hút sự chú ý lớn từ người dân. Nhiều người đổ xô đến các tiệm vàng để mua bán, bất chấp biến động giá mạnh. Do nguồn cung vàng hạn chế, một số cửa hàng phải giới hạn số lượng vàng bán ra cho mỗi khách hoặc tạm ghi nợ, hẹn trả vàng sau.
Tiết kiệm ngân hàng vẫn hút tiền nhàn rỗi
Dù giá vàng biến động mạnh và thu hút sự chú ý của nhiều người nhờ mức tăng giá ấn tượng thời gian qua, một lượng lớn tiền nhàn rỗi của người dân vẫn đổ vào kênh tiết kiệm ngân hàng, bất chấp lãi suất liên tục giảm kể từ cuối tháng 2/2025.
Tiết kiệm ngân hàng vẫn hút tiền nhàn rỗi của người dân
Chị Lan, một nhân viên văn phòng tại Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ rằng dù lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, chị vẫn chọn ngân hàng làm kênh giữ tiền an toàn trước những biến động của các kênh đầu tư khác. Mỗi tháng, chị mở một sổ tiết kiệm điện tử với số tiền nhàn rỗi vài triệu đồng. Sau hơn ba tháng, tổng số tiền tiết kiệm của chị đã đạt hơn 20 triệu đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 1/2025, tiền gửi của dân cư đạt hơn 7.188 triệu tỷ đồng, tăng 1,74% so với tháng 12/2024. Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đến ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2024 (năm trước giảm 0,76%), trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 2,49% (cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 0,26%).
Trong tháng 2/2025, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại được ghi nhận như sau:
Tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng: 0,1-0,2%/năm.
Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 3,1-4,0%/năm.
Kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng: 4,5-5,4%/năm.
Kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng: 4,8-6,0%/năm.
Kỳ hạn trên 24 tháng: 6,9-7,1%/năm.
Mặc dù lãi suất giảm, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn được nhiều người dân lựa chọn nhờ tính an toàn và ổn định, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư như vàng hay chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro.