Ngày 26.4, tại 2 kỳ họp chuyên đề HĐND TP.Đà Nẵng và HĐND tỉnh Quảng Nam, đề án sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng được đưa ra thảo luận và thông qua, trong đó có nhiều nội dung về quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống trụ sở làm việc và phương tiện công hiện có tại 2 địa phương. Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cũng được nhiều người quan tâm.
Rà soát gần 4.300 trụ sở làm việc
Tổng số trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp tại Đà Nẵng và Quảng Nam qua rà soát hiện có 4.291 cơ sở. Trong đó, TP.Đà Nẵng hiện có 1.681 cơ sở, tỉnh Quảng Nam có 2.610 cơ sở.
Sau khi sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng, dự kiến trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành cấp tỉnh sẽ đặt tại Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng hiện nay, kết hợp sử dụng một số nhà, đất còn trống trên địa bàn để tận dụng cơ sở vật chất có sẵn.
Đối với các trụ sở tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), UBND TP.Đà Nẵng đề xuất bố trí cho một số cơ quan tiếp tục làm việc tại Tam Kỳ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phía nam TP.Đà Nẵng (mới) cho thuận tiện vừa ứng phó thiên tai kịp thời.

Trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành TP.Đà Nẵng mới sẽ đặt tại Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng hiện nay
ẢNH: HOÀNG SƠN
Đề án cũng đề xuất chuyển đổi công năng một số trụ sở dôi dư thành trường học, cơ sở y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc các cơ sở công vụ tại vùng sâu, vùng xa… Các trụ sở không còn nhu cầu sử dụng sẽ được xử lý theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định có liên quan.
Về trụ sở xã, phường, thị trấn, số lượng tại tỉnh Quảng Nam khá lớn (247 trụ sở) trong khi dự kiến sắp xếp còn 78 xã, phường. Để tránh lãng phí, trước mắt các phường, xã sau sắp xếp sẽ tiếp tục sử dụng trụ sở làm việc hiện nay theo tiêu chuẩn, định mức và thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ công tác.
Các trụ sở dôi dư sẽ chuyển đổi công năng làm trụ sở công an, ban chỉ huy quân sự, trạm y tế cấp xã, cơ sở giáo dục (nhà công vụ cho giáo viên khu vực miền núi)…
Bố trí lại ô tô công, sắp xếp cán bộ
Tổng số xe ô tô công hiện có của 2 địa phương là 760 xe. Đối với các xe chức danh sẽ tiếp tục được bố trí cho những chức danh được phép sử dụng theo quy định. Các xe công phục vụ công tác chung cấp tỉnh sẽ được phân bổ lại cho các cơ quan hành chính, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc - đoàn thể, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh do TP.Đà Nẵng mới quản lý.
Tương tự, xe công cấp huyện hiện có sẽ được bố trí lại cho cấp cơ sở, phục vụ công tác của chính quyền, Đảng, đoàn thể sau sắp xếp.

Sau sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng, ô tô công sẽ được sắp xếp lại phù hợp với tình hình thực tế
ẢNH: HOÀNG SƠN
Đối với xe chuyên dùng, đề án đề xuất tiếp tục sử dụng đúng mục đích theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị như y tế, PCCC, môi trường, quốc phòng - an ninh...
Sau khi Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 72/2023/NĐ-CP, Sở Tài chính TP.Đà Nẵng mới sẽ chủ trì tham mưu UBND thành phố ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công, đồng thời xây dựng lộ trình sắp xếp, xử lý phù hợp.
Cuộc họp sáng nay của HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đặt vấn đề về biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị.
Tỉnh Quảng Nam đề xuất tạm thời giữ ổn định lực lượng này (51.995 người), gồm cán bộ, công chức, viên chức để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của TP.Đà Nẵng (mới).
Trên cơ sở định hướng của Trung ương, TP.Đà Nẵng (mới) sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về lộ trình tinh giản biên chế công chức hành chính và giảm số lượng người làm việc gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với việc bố trí chức danh lãnh đạo, quản lý thì số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức của TP.Đà Nẵng (mới) sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các cơ quan, tổ chức của TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trước sắp xếp và thực hiện bố trí theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đang giữ chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn, căn cứ điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, công chức, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng (mới) xem xét, quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị mới sau sắp xếp.
Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan chuyên môn không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu sau sắp xếp thì được bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề hoặc bố trí giữ chức danh tương đương ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác; hoặc tăng cường làm lãnh đạo cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ, năng lực của cán bộ, công chức và được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy. Cách thức này cũng áp dụng với các trường hợp đang giữ chức danh cấp phó.
Đáng chú ý, đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ và hợp đồng lao động thì tạm thời giữ nguyên số lượng công chức, viên chức, người lao động hợp đồng hiện có tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
Sau đó, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.
Dự thảo đề án cũng nêu rõ sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay (3.289 người) kể từ ngày 1.8, giao chính quyền địa phương xem xét bố trí tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố (nếu đáp ứng yêu cầu) và thực hiện chế độ, chính sách (nếu không bố trí công tác).