Từ lâu, Gemini Coffee đã là địa chỉ quen thuộc của dân nghiện "cà kê" ở Hà Nội. Bên cạnh những thức uống truyền thống như trà, cà phê, thì tiêu chí "Xanh và Sạch" là những gì khiến người ta gợi nhớ về cái tên Gemini.
Theo thời gian, hàng loạt những chuỗi cà phê nổi danh một thời như The KAfe, Gloria Jean's... đã phải đóng cửa, thì Gemini Coffee được cho là vẫn sống khỏe. Tới nay, chuỗi cà phê này đã phát triển được 12 cửa hàng, trải khắp các khu văn phòng ở thủ đô Hà Nội.
Và một trong những triết lý giúp chuỗi Gemini Coffee tồn tại cho đến ngày hôm nay đó là luôn phải thích nghi và luôn phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chậm mà chắc.
Ấp ủ 6 năm để cho ra một thương hiệu
Vũ Việt Anh - CEO và cũng là nhà sáng lập Gemini Coffee kể lại:
"Nếu nói tới nghề kinh doanh giải khát, thì từ ngày xưa ở quê, gia đình Việt Anh đã có truyền thống này. Nhưng để gọi là kinh doanh có bài bản, thì phải tới năm 2007, khi Việt Anh mới lên Hà Nội học đại học được một năm".
Tuy nhiên, thời kì đó, cửa hàng cà phê - giải khát mà Việt Anh lập ra vẫn chỉ hoạt động theo mô hình hộ gia đình, mẹ kiêm công việc sổ sách, thu chi, còn người thân thì lo chạy việc vặt giúp quán.
Tới năm 2008, Việt Anh quyết định ra làm riêng, tự mở quán và chọn địa điểm là một mặt tiền nằm trên phố Nguyễn Thị Định. Khi ấy, chàng trai sinh năm 1988 chưa tình nghĩ, đây sẽ là cửa hàng đầu tiên, đặt nền móng cho chuỗi Gemini Coffee sau này.
"Năm 2013, xu hướng cà phê thoái trào, cũng là lúc đồ uống đá xay lên ngôi. Mình là người trẻ nên cũng muốn học hỏi và nắm bắt xu hướng, cứ thế lao đầu vào làm đồ uống đá xay. Không ngờ rằng, quanh đó toàn dân văn phòng, khách vào quán chỉ uống cà phê chứ không chuộng đồ đá xay. Và thế là vừa mở quán đã gặp ngay thất bại", Việt Anh kể lại.
Vì không đánh giá kĩ được thị trường, vội vàng chạy theo xu thế, 2 tháng đầu tiên Gemini Coffee không hề có khách, dù sở hữu vị trí đắc địa tại phố Nguyễn Thị Định.
Tới lúc này, Vũ Việt Anh cho rằng, chiến lược kinh doanh của mình phải thay đổi. Gemini Coffee từ đó được cải biên cho dân dã hơn, từ bàn ghế "teen teen" đổi thành phong cách cà phê vỉa hè, hướng tới đối tượng bình dân, quen thuộc hơn.
Đồ uống ở Gemini chỉ tập trung vào các dòng sản phẩm truyền thống như cà phê, trà, mức giá giao động trong khoảng 20 - 50 ngàn đồng, nghĩa là cao cấp hơn cà phê cóc, nhưng không đắt đỏ như các thương hiệu lớn.
Loay hoay nửa năm với cửa hàng Gemini Coffee đầu tiên và bài học đắt giá cho các cửa hàng cà phê, giải khát
Vũ Việt Anh chia sẻ, một trong những sai lầm phổ biến của người trẻ khi kinh doanh chuỗi cà phê, giải khát đó là các chủ cửa hàng luôn nghĩ đồ uống sẽ là yếu tố tạo ra sự khác biệt, tức là lợi thế cạnh tranh.
Trên thực tế, đồ uống giải khát nói chung dễ sao chép và làm theo. Anh A có đồ uống này độc, lạ, pha chế ngon, thì ngày mai anh B có thể sao chép tương tự. Do đó, nếu chỉ mù quáng "ăn theo" trào lưu, mà quên đi khâu nghiên cứu khách hàng, thì người chủ sẽ phải trả giá.
Như tại cửa hàng Gemini Coffee đầu tiên, Vũ Việt Anh không chỉ "ế" khách trong 2 tháng đầu, mà còn mất thêm 4 tháng tiếp theo để công việc kinh doanh đi vào ổn định.
CEO Gemini Coffee cho biết:
"Sau cửa hàng đầu tiên với rất nhiều khó khăn, mình đã phải rất kiên trì và rút ra bài học, đó là bạn luôn phải tính toán, chuẩn bị kĩ về mặt tài chính trong bất kì hoàn cảnh nào. Tài chính tốt sẽ giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề như: thu hút khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở điểm bán mới...".
Nhờ triết lý này, Gemini Coffee sau đó mở tiếp được 2 cửa hàng nữa, nâng tổng số cửa hàng trong chuỗi kinh doanh lên con số 3. Nghĩa là kinh doanh ổn định, có lãi, Vũ Việt Anh mới tiếp tục mở thêm các điểm bán tiếp theo.
Tuy nhiên, càng mở thêm điểm bán, Gemini Coffee lại tiếp tục gặp phải vấn đề nghiêm trọng
Từ 10 nhân viên dưới quyền, Vũ Việt Anh khi đó phải quản lí thành 20 - 30 nhân sự cùng lúc. Bài toán đặt ra cho nhà sáng lập sinh năm 1988 đó là: chất lượng dịch vụ ngày càng thiếu đồng đều, trong khi nhân sự mới đang ngày một tăng.
Sau này, khi đã giải được bài toán trên, Vũ Việt Anh nhận ra, đây cũng chính là kinh nghiệm để quản lí chuỗi F&B nói chung, chuỗi cà phê nói riêng:
"Nhân sự và chất lượng dịch vụ mới là chìa khóa giúp các chuỗi kinh doanh có hiệu quả. Quan trọng là bạn phải quản lý được, tạo ra một hệ thống kiểm soát được, KPI đặt ra phải giúp nhân viên làm việc hiệu quả, và tạo ra môi trường kích thích họ làm việc".
Chia sẻ về vấn đề nhân sự, CEO Gemini Coffee cho biết, trong ngành F&B nói chung, nhân sự liên tục thay đổi và trẻ hóa. Vì người đi làm thuê cho các quán cà phê thường không coi đây là công việc gắn bó lâu dài, dẫn đến cơ chế nhân sự luôn bị đặt trong tình trạng bất ổn.
Để 100 con người cùng làm việc hiệu quả trong chuỗi Gemini Coffee, Vũ Việt Anh cho rằng, yếu quyết định chính là chất lượng đào tạo nhân sự. Thông thường, chu trình đào tạo một nhân viên mới rơi vào khoảng 7 ngày và phải là đào tạo tập trung.
Nhưng đó mới chỉ là các phần việc cơ bản. Về sau, các bạn trẻ sẽ phải hoàn thiện kĩ năng làm việc trong môi trường thực, để nắm bắt được công việc nhanh hơn. Tiêu chí tuyển chọn nhân viên ban đầu sẽ là ưu tiên kinh nghiệm, có năng lực làm việc, có kỹ năng giao tiếp với khách hàng, rồi sau đó là thử nhiều vai trò từ thấp tới cao.
Nhìn chung, khi đã giải quyết xong bài toán nhân sự, chất lượng dịch vụ sẽ được tự khắc nâng cao. Bởi theo CEO này, chỉ khi nhân viên làm việc đúng quy trình, chuỗi mới mong hoạt động hiệu quả. Thời gian kiểm chứng không phải một tháng, một năm, mà có thể là vài năm trời.
Điều này giải thích tại sao, hoạt động đã được 5 năm, có trong tay 12 cửa hàng, Vũ Việt Anh vẫn khẳng định Gemini Coffee đang trong quá trình hình thành chuỗi
Mục tiêu mà CEO sinh năm 1988 đặt ra cho chuỗi Gemini Coffee đó là tiếp tục mở rộng điểm bán, nâng số lượng cửa hàng lên 18 trong năm nay.
Vũ Việt Anh không phủ nhận, mở điểm bán mới và khâu tìm kiếm mặt bằng trong kinh doanh chuỗi luôn là cuộc chiến rất khốc liệt.
Thông thường, các quán cà phê sẽ ưu tiên diện tích lớn, mặt bằng rộng, một mặt sàn càng tốt. Bởi mặt bằng ít tầng sẽ giúp tối ưu được hệ thống nhân lực, quản lí sẽ bao quát được nhân viên, từ đó giúp cửa hàng vận hành trơn tru hơn. Trong khi quán cà phê nhiều tầng sẽ bị ngăn cách, khó quản lí, như Highland và các thương hiệu cà phê lớn thường chọn các mặt bằng như vậy.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mặt bằng thấp tầng cũng sẵn có. Phần vì số lượng hạn chế, một tòa nhà, một trung tâm thương mại chỉ có duy nhất một mặt sàn tầng 1 như vậy, phần vì giá thuê đắt đỏ, nên CEO Gemini Coffee buộc phải "leo tầng".
Trong đó, mặt sàn tầng 1 thường sẽ được bố trí theo phong cách bình dân, ngồi nhanh được, view nhìn ra vỉa hè, đơn giản, tiện lợi, tạo ra sự gần gũi nhất định. Còn lên tới tầng 2, tầng 3, phong cách bố trí sẽ trẻ trung và hiện đại hơn, phục vụ khách hàng trẻ thích ngồi cà phê máy lạnh với bạn bè.
Vũ Việt Anh chia sẻ, bản thân chuỗi Gemini Coffee vẫn đang trong quá trình hoàn thiện mình, chứ chưa được gọi là thành công. Anh cho biết, bản thân thương hiệu Gemini trong 5 năm hoạt động đã phải trải qua 2 giai đoạn lớn.
Một là thời điểm mở 3 cửa hàng đầu tiên, làm ăn có lãi thì mở tiếp. Hai là thời điểm mở thêm cửa hàng thứ 4 và thứ 5, CEO này đã quyết định góp vốn với bạn bè. Và ngay lập tức, anh đã gặp phải vấn đề "bất đồng quan điểm" trong kinh doanh chuỗi.
Có thêm các thành viên góp vốn đồng nghĩa sự nhất quán mất đi. Ngay sau đó, Việt Anh đã phải thu hẹp lại các "đối tác". Bằng cách thuyết phục bạn bè của mình, chuỗi Gemini Coffee đã đi đến chủ trương: chỉ quản lí tập trung, các đối tác sẽ không tham gia điều hành nữa.
Hiện tại, CEO trẻ tuổi này cho biết vẫn chưa nghĩ tới việc gọi thêm vốn, vì bản thân anh vẫn đang tự lo được cho chuỗi. Chia sẻ về mục tiêu 18 cửa hàng trong năm nay, Vũ Việt Anh khẳng định:
"Công thức ở đây là Gemini Coffee sẽ nhân bản những điểm bán tốt. Trong kinh doanh chuỗi cà phê nói chung, yếu tố kỉ luật luôn được đặt ra hàng đầu, người làm đòi hỏi phải chi tiết, tỉ mỉ, phục vụ từ tâm, quản lí tốt, sau đó mới đến sáng tạo, đột phá".