Một trong những tác dụng phụ khi điều trị ung thư phổi là chứng đau vòm miệng, có thể khiến bạn gặp khó khăn khi nói chuyện. Thế nhưng có lẽ nhiều người cũng không nhận ra điều này khi nghe Thủy Trương – người được mệnh danh là nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam trò chuyện một cách không vấp váp.
Cùng gia đình sang Mỹ định cư từ năm 17 tuổi, Thủy Trương quay trở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp cử nhân Khoa học Máy tính tại Đại học Sourthern California năm 2009.
Về Việt Nam, cô thành lập hai công ty sữa chua đông lạnh Parallel Frozen Yogurt và Greengar, đơn vị phát triển ứng dụng Tappy giúp kết nối những người cùng có mặt tại một địa điểm từng được Weeby.co mua lại với giá hàng triệu USD. Sau khi bán công ty, Thủy quay lại Mỹ nhưng vẫn tiếp tục chia sẻ, cố vấn cho nhiều startup tại Việt Nam.
Năm ngoái, cô đột ngột phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối . Không hoang mang tuyệt vọng vì căn bệnh, cô gái trẻ đã thành lập nhiều dự án giúp những người mắc ung thư như cô có thể đối mặt với nó cũng như chăm sóc bản thân tốt hơn, trong đó có Salt Cancer Initiative, sáng kiến hỗ trợ bệnh nhân ung thư qua việc nhằm cung cấp thông tin, giáo dục và hỗ trợ đến bệnh nhân ung thư và người thân tại Việt Nam
“Tôi từng bị tác dụng phụ là phát ban nên đã thêm vào ứng dụng lưu ý sử dụng nước lạnh bởi nước ấm sẽ gây kích ứng da nhiều hơn. Những người cũng đang điều trị ung thư phổi như tôi có thể biết để tránh nước ấm.” - cô cho biết.
Gần đây, cô cũng đứng ra tổ chức cuộc thi Hack for Health đầu tiên cho trường ĐH Southern California. Thủy cho biết: “Một sản phẩm mà chúng tôi cũng đang theo đuổi xuyên suốt cuộc thi hackathon này là ứng dụng mobile giúp theo dõi và hạn chế tác dụng phụ của ung thư và các phương pháp điều trị ung thư.”
Hack for Health khởi đầu là một dự án hợp tác giữa Thủy Trương và các bác sỹ điều trị cho cô tại Trung tâm Điều trị Ung thư toàn diện Norris của trường ĐH Southern California. Trong một lần trò chuyện với bác sỹ Nieva về việc theo dõi quá trình điều trị ung thư bằng vòng đeo Fitbit, Thủy đã rất hào hứng khi nghe ông kể về các công trình tương tự đang được trường nghiên cứu cho bệnh nhân ung thư. Từng có kinh nghiệm tổ chức nhiều cuộc thi hackathon (thử thách lập trình trong 24 đến 48 giờ) tại Việt Nam, cô nhanh chóng bắt tay thực hiện dự án mới.
Thu hút hàng chục sinh viên và kỹ sư tham gia, Hack for Health đã diễn ra một cách thành công mỹ mãn. Trong suốt 2 ngày đêm không ngủ từ 7/4 đến 9/4, hàng chục sinh viên đại học và cao học, các kỹ sư phần mềm và designer đã biến nhiều ý tưởng thú vị thành hiện thực. Một trong số các ý tưởng nổi bật là Storyline - ứng dụng sử dụng thị giác máy tính để nhận diện hình ảnh, giúp người bệnh theo dõi các loại thuốc điều trị được kê. Người dùng chỉ việc giơ một lọ thuốc lên camera điện thoại, Storyline sẽ ghi nhận các thành phần thuốc, hiển thị các tác dụng phụ đi kèm cùng lời khuyên cụ thể.
Chia sẻ về bản thân ở thì hiện tại, Thủy cho biết: “Nếu Chúa báo cho bạn về căn bệnh ung thư, bạn sẽ không thể thay đổi thực tế đó. Nó có ảnh hưởng như nhau đến tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo, tốt xấu thế nào. Tuy nhiên ngay cả khi trận chiến ấy là không thể tránh khỏi, chúng ta vẫn có thể học cách làm chủ và kiểm soát nó.”
Tất bật với các dự án cá nhân và cộng đồng, cô gái trẻ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vẫn giữ nguyên thói quen leo núi và dã ngoại mỗi cuối tuần cũng như thực hiện những chuyến đi xa khi có dịp. Gần đây, cô cũng trở thành một trong những nhân vật chính trong bộ phim tài liệu She Started It của đạo diễn Nora Poggi và Insiyah Saeed. She Started It đã được công chiếu tại Liên hoan phim Mill Valley hồi tháng 10 năm ngoái và nhận được nhiều lời tán thưởng từ công chúng.