Khi bộ phim Iron Man ra mắt năm 2008, ý tưởng về 1 hệ thống trí thông minh nhân tạo như JARVIS mà Tony Stark tạo ra để điều khiển tư gia của mình dường như chỉ có thể tồn tại trong phim viễn tưởng. Thế mà giờ đây chỉ sau 9 năm trời, với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên, công nghệ máy học và Internet of Things đã khiến những công nghệ "viễn tưởng" ấy trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.
Video ở trên cho các bạn thấy được những tính năng cơ bản mà trước đây các bộ điều khiển thông minh hoạt động bằng remote đã có thể liên kết với Google Home để nhận diện khẩu lệnh thông qua Google Assistant.
Ví dụ việc tắt 1 bóng đèn tưởng đơn giản này sẽ phải đi lần lượt từ phát lệnh bằng giọng nói tới Google Home, xử lý qua API của Google Assistant truyền lệnh đến bộ phát sóng RF Broadlink và cuối cùng sóng RF điều khiển tắt đèn mới phát ra để tắt công tắc trên tường.
Với câu lệnh tưởng chừng phức tạp như điều khiển TV, thì đường đi lại đơn giản hơn: Đi thẳng từ Google Home truyền lệnh vào Chromecast do 2 thiết bị này vốn tương thích tốt với nhau.
Công nghệ trợ lý ảo đã gần gũi đến mức cá nhân tôi, một dân "ngoại đạo" cả về điện đóm lẫn coding và cũng chẳng phải tỉ phú như Iron Man cũng có thể tự thiết lập 1 hệ thống trợ lý ảo để điều khiển các thiết bị ngay trong chính ngôi nhà của mình bằng giọng nói với kết quả cũng không đến nỗi nào.
Về giá thành, toàn bộ thiết bị được lắp đặt để sử dụng được các chức năng như trên video mất khoảng 5 triệu đồng mà trong đó chiếc loa Google Home chiếm tới 129 USD (khoảng 3 triệu đồng).
Thực sự chúng ta đang sống trong 1 thời đại tuyệt vời. Phải không các bạn?
Chúng tôi sẽ gửi tới các bạn bài viết hướng dẫn thiết lập chi tiết này trong bài viết sau!