Khởi nghiệp

Nhìn từ Steve Jobs, Elon Musk: khởi nghiệp hãy cứ mạnh dạn "thay đổi thế giới", đừng để khó khăn hiện tại che lấp giấc mơ lớn

Khởi nghiệp, đặc biệt là startup công nghệ, luôn là một chặng đường gian nan với hàng loạt khó khăn ở từng giai đoạn. Những vụ việc vỡ lở về Theranos , Magic Leap hay Lily Robotics , chưa kể đến việc các “ ông già ” lão làng sáng lập các công ty công nghệ lớn cũng thường khuyên startup đừng mơ quá lớn mà hãy tập trung giải quyết vấn đề nhỏ càng khiến người ta nghi ngờ tham vọng thay đổi thế giới của các startup công nghệ.

Tuy nhiên, startup cũng không nên vì thế mà đánh mất giấc mơ lớn. Những vấn đề như thu hút người dùng, kinh phí phát triển, tuyển dụng nhân sự,… sẽ luôn bủa vây và có thể nhấn chìm bạn bất cứ lúc nào có thể. Đây chính là lúc “giấc mơ lớn” về việc thay đổi thế giới sẽ giúp bạn “sống sót” và duy trì được hoài bão của mình qua những chặng đường khó khăn đó.

Rửa tay gác kiếm hay tiếp tục khởi nghiệp những thứ lớn lao hơn?

Hãy tìm cảm hứng từ Elon Musk – người đã bất chấp những lời khuyên can ngăn cản để thực hiện những ý tưởng điên rồ của mình. Nếu chỉ nghe đến SpaceX với những thành tựu như lần đầu tiên đưa tên lửa tái chế vào sử dụng, hẳn bạn sẽ rất bất ngờ khi được biết Musk từng bị coi là điên rồ khi đổ hết tài sản vào thứ công nghệ hàng không vũ trụ “viển vông” này với lý do đã...chán làm nhà đầu tư, chán cả thế giới startup Internet ở Thung lũng Silicon.

Và nay, sau những thành công lịch sử của các công ty do mình sáng lập, Musk lại một lần nữa cho cả thế giới thấy sức mạnh của khát vọng thay đổi thế giới với startup thứ 6 mang tên Neuralink .

Nếu ngày đó Elon Musk rửa tay gác kiếm sau khi bán PayPal thì liệu chúng ta sẽ có những Tesla, SpaceX và SolarCity?

Hay như câu chuyện của Steve Jobs...

Bán nước ngọt hay cùng thay đổi thế giới?

Đó là câu hỏi đầy khiêu khích mà Steve Jobs đặt ra để chiêu dụ John Sculley - một bậc thầy tiếp thị và cũng từng là Chủ tịch của PepsiCo. Thời điểm đó, PepsiCo là một gã khổng lồ lớn gấp nhiều lần với Apple. Về làm việc cho Apple có thể coi là một bước lùi đối với John và chẳng có gì đáng ngạc nhiên là ông đã nhanh chóng quyết định từ chối vì thấy quá mông lung. Tuy nhiên, sự kiên quyết và khả năng hùng biện phi thường của Steve đã làm nên chuyện. Câu hỏi nổi tiếng mà ông đặt ra cho John Sculley là: "Anh muốn dành quãng đời còn lại để bán nước ngọt hay muốn một cơ hội để thay đổi thế giới"?

Và quả thực, Steve Jobs đã thay đổi hoàn toàn thế giới như chúng ta đã thấy ngày nay.

Nếu ngày đó Steve Jobs bỏ cuộc thì liệu chúng ta sẽ có những chiếc iPhone và Macbook truyền cảm hứng cho hàng loạt thương hiệu điện tử khác như ngày nay?

Thực tế là nếu cứ nghe theo lời khuyên từ những “lão thành” đi trước, startup có thể rơi vào tình trạng không biết xoay sở ra sao, bởi “theo kinh nghiệm của anh ấy thì làm như vậy khó lắm”, “theo những gì được mentor khuyên thì thị trường này không nên nhảy vào…”, hay như câu nói gần đây nhất của ông Nguyễn Đức Tài, CEO TGDĐ: "Nhiều startup cứ ngồi đó nghĩ chúng ta sẽ thay đổi thế giới, đó là chuyện trên trời. Bạn sẽ chết trước khi thế giới thay đổi!"

Tất cả những điều tưởng như lời khuyên xương máu này, vô hình chung có thể giới hạn tiềm năng của các startup non trẻ, khiến họ thay vì nghĩ lớn, mơ lớn, lại quay sang làm những thứ an toàn, những sản phẩm quen thuộc với số đông. Kết quả là chúng ta sẽ chỉ có những startup copycat bê nguyên mô hình nước ngoài về để tấn công thị trường Việt Nam, lúc nào cũng cố nhìn sang xem “họ đã làm thế nào” để thực hiện theo chứ ít có những sáng tạo của riêng mình. Một điều dễ nhận thấy là các startup clone mô hình nước ngoài thường chỉ có thể sống khỏe trong nước chứ rất khó vươn được các thị trường quốc tế.

Bởi vậy, nếu đã mất công startup thì tại sao bạn không mơ lớn, không nghĩ luôn đến thế giới rộng lớn ngoài kia, đến những thứ có thể thay đổi cuộc sống của nhiều người? Mơ lớn không phải thứ gì viển vông, mà là thứ giúp chúng ta có một mục đích để theo đuổi, một niềm tin để nương vào trong những ngày khốn khó.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm