Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), về những câu chuyện liên quan đến startup tại sự kiện "Bản chất các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp qua góc nhìn và kinh nghiệm của ông Nguyễn Duy Hưng". Cuộc đối thoại do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức ngày 23/4.
- Chào ông, theo ông, các doanh nghiệp, startup nên gọi vốn như thế nào?
- Khi bạn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bạn thường tìm đến nguồn hợp tác tín dụng từ người thân, bạn bè, cha mẹ. Nếu bạn chưa có uy tín, chắc chắn ngân hàng họ không cho bạn vay. Nếu bạn có ý tưởng startup, hãy tiếp cận quỹ đầu tư venture. Người ta sẽ thẩm định, đánh giá cùng bạn. Nếu người ta tin bạn, họ sẽ đầu tư. Lúc bấy giờ, khi bạn chia sẻ ý tưởng thì phải làm sao để họ tin rằng nếu họ đầu tư, các ý tưởng của bạn có thể phát triển thành trong tương lai.
Như Uber hay Tesla vẫn tiếp tục lỗ nhưng họ vẫn nhận được các khoản đầu tư lớn.
Nếu không có ai nữa mà vẫn tin là thành công thì hãy tiếp cận bố mẹ.
- Ông có thể nói gì về các dự án nông nghiệp của ông? Khi huy động vốn thì đâu là yếu tố quan trọng?
- Khi huy động vốn, một câu hỏi rất quan trọng là: Nếu tôi đưa tiền cho bạn thì bạn sẽ làm gì? Sang năm, 5 năm, 10 năm thì mô hình sẽ ra sao. Nếu nhà đầu tư tin bức tranh của bạn sẽ khả thi, họ sẽ xem xét lại. Họ sẽ xem xét lịch sử của công ty và quyết định có đưa tiền không.
Cuối cùng vẫn là câu hỏi: Nếu quỹ đưa tiền cho bạn thì bạn sẽ sử dụng đồng tiền như thế nào để hiệu quả. Đó là vấn đề quan trọng nhất.
Còn về nông nghiệp, tôi huy động tiền để sản xuất của cải vật chất và tạo ra những sản phẩm bán được trên thị trường. Ví dụ, hiện chúng tôi đang đầu tư làm hoa xuất sang Nhật. Việc đầu tiên là phải chứng minh có nguồn nhân lực để làm đúng sản phẩm mà chúng tôi đề cấp tới? Nhà đầu tư có đủ chuyên môn để đánh giá những điều mà người cần vốn nói. Và tiếp theo là khả năng mở rộng thị trường như thế nào, chẳng hạn như có đất để làm hay không, có đủ nhân lực hay không? Khi bạn trả lời được những câu hỏi trên thì nhiều người xếp hàng để đưa tiền cho bạn đấy!
- Theo ông, tiêu chí cụ thể nào để các nhà đầu tư chọn bỏ vốn vào startup?
- Thực ra, khi các quỹ đầu tư khi đầu tư vào startup, họ vì (bản thân) họ, không phải như quỹ từ thiện đưa tiền cho startup.
Khi bán sản phẩm, nếu startup có tiền thì tự làm. Khi không có tiền thì đi chào các quỹ. Các quỹ đầu tư nhìn vào mức độ khả thi của dự án thấp hơn rất nhiều so với những điều các bạn suy nghĩ.
Như chúng tôi đang quan tâm đến các dự án nông nghiệp và các sản phẩm công nghệ cao.
Khi ai đó có ý tưởng, đó là điều hết sức quan trọng. Nhưng khi mời gọi nhà đầu tư thì nhà đầu tư quan tâm đến sự hữu dụng của dự án, đến vấn đề nhân sự, quản lý…
Nếu kiếm được dự án để đầu tư, thì chúng tôi vui trước. Các bạn vui vì có vốn, có nhà đầu tư. Còn với chúng tôi, đó là tiềm năng có thể gặt hái thắng lợi trong tương lai,
- Một startup thường xuất phát từ đam mê rất lớn. Họ rất cần tiền nhưng thực sự họ đam mê ý tưởng như một đứa con. Họ muốn đứa con họ lớn lên và trường tồn. Liệu khi có nhà đầu tư và “con” lớn thì linh hồn có còn không?
- Bạn muốn nuôi con bằng đam mê. Những các quỹ đầu tư đến với “con” của bạn bằng tính hiệu quả. Nếu đam mê chuyển thành hiệu quả thì việc kết hôn trở thành trường tồn. Đam mê là quan trọng nhưng không phải cứ có đam mê và tình yêu là dẫn đến thành công.
- Dưới con mắt của nhà đầu tư, ông có đầu tư vào thương mại hay phân phối hay không? Đâu là tiêu chí để lựa chọn?
- Rất nhiều người muốn đầu tư vào các công ty thương mại và phân phối. Nhưng thế nào là một công ty phân phối, công ty thương mại. Theo tôi, nó thể hiện ở số lượng đại lý, doanh số bán hàng. Chứ không phải chúng ta đặt tên và hoạt động trong ngành đó thì được gọi là công ty thương mại. Các công ty thương mại hiện đang trở thành cơn sốt cho các nhà đầu tư săn tìm.
- Startup thường gặp khó khi tuyển dụng nhân sự. Có chuyện startup đào tạo nhân sự được một vài năm rồi nhân sự lại bỏ đi sang các doanh nghiệp khác, đặc biệt là nước ngoài. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Chúng ta cần tạo được môi trường mà tất cả thành viên hiểu được rằng, họ có thu nhập ổn định, an toàn, ngay cả khi thị trường trồi sụt thì họ vẫn an toàn. Chúng ta giữ nguồn nhân lực bằng văn hóa doanh nghiệp, họ đồng hành và gắn bó với chúng ta. Cuối cùng vẫn là sự cảm nhận của nhân viên.
Đừng nghĩ là tuyển một người thì người đó sẽ gắn bó với công ty suốt đời. Nếu họ thấy phù hợp thì họ sẽ gắn bó.
- Cảm ơn ông!