Khởi nghiệp

Khi 50% khách hàng mua sắm online đều dùng di động, các chủ kinh doanh phải làm gì?

Cụ thể, theo CEO DKT, trên hệ thống hơn 27.000 website khách hàng về tỷ lệ người mua sắm online truy cập vào các trang bán hàng, có tới 53,8% trong số họ vào bằng điện thoại, tỷ lệ người mua hàng truy cập bằng máy tính đứng thứ 2 với 41,3% còn lại là tablet.

Di động đã trở thành một phương tiện xu thế để truy cập mua sắm phổ biến hiện nay. Do đó các doanh nghiệp, chủ shop sẽ bỏ qua quá nửa khách hàng tiềm năng nếu không biết khai thác kênh mua - bán này.

Ông Tuyến cho biết, cách đây 3 năm, tỷ lệ người dùng máy tính truy cập trong ngành TMĐT cao hơn số lượng người dùng truy cập bằng điện thoại. Nhưng đến nay, số lượng người vào các website qua điện thoại chiếm đến 50%, cá biệt có những website tốt, lượng người truy cập bằng thiết bị này lên đến 80-90%.

"Để không lãng phí hơn một nửa cơ hội khách hàng tiềm năng đến với website thông qua di động thì ngoài một nền tảng tốt, các doanh nghiệp cần vạch ra một chiến lược vận hành và khai thác tối đa các cơ hội bán hàng thông qua các kênh di động, cũng như không ngừng đo lường hiệu quả, tinh chỉnh để tối ưu và gia tăng hiệu suất bán hàng trên di động”, CEO DKT đưa ra giải pháp.

Trên thực tế, người bán hàng hiện tại không chỉ có website, mà đó còn là các kênh online như Facebook, Zalo… Ông Tuyến cho rằng, quan trọng là người bán hàng biết tối ưu các kênh online của mình, tốt nhất nên tìm tới các sản phẩm quản lí đa kênh, từ đó tiết kiệm thời gian, tiền bạc, để tăng doanh thu bán hàng.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thông, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam cho biết, 70% doanh thu các đơn hàng của Lazada cũng đến từ di động.

Trong đó, lý do lớn nhất giải thích cho sự chênh lệch này đó là thói quen của khách hàng đã thay đổi. Những đối tượng khách hàng trẻ, năng động sẽ chủ yếu sử dụng smartphone, tablet để truy cập internet mua hàng. Cá biệt, ở những khu vực ngoại thành, xu hướng sử dụng điện thoại vào mạng lại càng cao.

Do đó, các doanh nghiệp cá nhân cần phải nắm bắt xu hướng nói trên, mà cụ thể là việc chú trọng phát triển TMĐT trên di động. Bởi đây không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn mở ra những cơ hội phát triển nhất định cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phía Lazada cũng chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp có thể gặp phải như dịch vụ, công cụ, thậm chí kiến thức của người bán hàng trên điện thoại chưa nhiều. Do đó muốn thành công khi bán hàng trên điện thoại, các doanh nghiệp cần đầu tư và có chiến lược phù hợp để phát triển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm