Khoa học

Sản xuất chip máy tính từ tế bào não người: Những dấu hỏi về đạo đức

Sản xuất chip máy tính từ tế bào não người: Những dấu hỏi về đạo đức - Ảnh 1.

Đây là phát minh nhằm khai thác trí thông minh vốn có của tế bào não - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Phòng thí nghiệm Cortical có trụ sở tại thành phố Melbourne (Úc) đã phát triển các nhóm tế bào thần kinh (tế bào não) được tích hợp vào một con chip máy tính. Phát minh này nhằm khai thác trí thông minh vốn có của tế bào não, điều mà silicon không thể đạt được.

Theo trang tin Techxplore, trong hệ thống Dishbrain (mạng lưới điều khiển với các tế bào thần kinh sinh học) của phòng thí nghiệm Cortical, những tế bào thần kinh hoạt động giống như những sợi dây kết nối với các thành phần khác của hệ thống. Ưu điểm chính của phương pháp này là các tế bào thần kinh có thể thay đổi hình dạng, phát triển, tái tạo hoặc chết theo yêu cầu của hệ thống.

Dishbrain có thể học cách chơi trò chơi điện tử Pong (game arcade) nhanh hơn các hệ thống AI thông thường.

Các nhà phát triển của Dishbrain cho biết: "Trước đây chưa từng có phát minh nào tương tự. Đây là một phương thức tồn tại hoàn toàn mới. Nó là một sự kết hợp giữa silicon và nơ ron".

Cortical Labs tin rằng các chip lai giữa silicon và nơ ron của họ có thể là chìa khóa cho các cách thức tính toán phức tạp mà máy tính và AI ngày nay không thể tạo ra.

Công ty công nghệ Koniku (Mỹ) chế tạo máy tính từ tế bào thần kinh nuôi trong phòng thí nghiệm. Koniku tin rằng công nghệ của họ sẽ cách mạng hóa một số ngành công nghiệp bao gồm nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, công nghệ quân sự và an ninh sân bay.

Các công ty không cần lấy mẫu mô não từ người hiến tặng, mà có thể chỉ cần nuôi tế bào thần kinh họ cần trong phòng thí nghiệm từ các tế bào da bình thường.

Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về sự đồng ý của những người cung cấp mẫu mô để nghiên cứu và phát triển công nghệ. Họ có biết tế bào của mình được sử dụng để tạo ra máy tính thần kinh không? Họ có cần biết điều này, để sự đồng ý của họ có hiệu lực về mặt pháp lý không?

Liệu Apple và Google có thể tạo ra những chiếc máy tính có tốc độ cực nhanh, bằng cách sử dụng các tế bào thần kinh tốt nhất và sáng nhất của con người hay không? Liệu ai đó có thể bảo vệ các mô của những vị thiên tài đã qua đời như nhà vật lý học Albert Einstein để tạo ra các máy tính thần kinh phiên bản giới hạn chuyên dụng không?

Những câu hỏi như vậy liên quan đến các chủ đề đạo đức rộng lớn hơn về "bóc lột và bồi thường".

Thế giới đang ở giai đoạn đầu của điện toán thần kinh và còn thời gian để suy nghĩ về những vấn đề này, trước khi các sản phẩm chuyển từ khoa học viễn tưởng đến các cửa hàng.

Vụ kiện nổi tiếng thế giới liên quan đến bà Henrietta Lacks, một phụ nữ Mỹ gốc Phi mất năm 1951. Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, bang Maryland, đã lấy mẫu tế bào ung thư khi bà còn sống để nghiên cứu. Sau đó bệnh viện đã chia sẻ mẫu này cho các nhà nghiên cứu khác sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu y tế và thương mại mà không được bà và gia đình biết và cho phép.

Ngày nay, tế bào của bà Henrietta vẫn được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng, tạo ra doanh thu khổng lồ cho các công ty dược phẩm, bao gồm cả việc phát triển vắc xin COVID-19 gần đây.

Đến nay, gia đình bà Lacks vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm