Tại buổi họp kiểm điểm tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) diễn ra sáng 25/5, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH-ĐT) thông tin đến hết tháng 5 có ba Ban quản lý dự án (Ban QLDA) tiếp tục phát huy được kết quả giải ngân vượt kế hoạch đăng ký, theo Báo Giao thông.
Cụ thể, Ban QLDA Thăng Long giải ngân 3.094 tỷ đồng (45,1%), vượt 380 tỷ đồng; Ban QLDA đường Hồ Chí Minh giải ngân 1.529 tỷ đồng (35,6%), vượt 60 tỷ đồng; Ban QLDA Đường thủy giải ngân 352 tỷ đồng (35,5%), vượt 33 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ban QLDA Hàng hải từng là một trong 4 đơn vị QLDA có kết quả giải ngân tốt trong tháng 4, sang tháng 5 đã giải ngân 681 tỷ đồng (45,5%). Tuy nhiên chậm 108 tỷ đồng so với kế hoạch tháng.
Nguyên nhân do kết quả đấu thầu dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 giảm so với dự toán, đang thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch.
Ngoài ra, trong số 7 đơn vị có kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu trong tháng 4, có hai đơn vị đạt kết quả giải ngân trên 33,3% và vượt kế hoạch giải ngân theo tháng đã đăng ký, gồm: Ban QLDA Đường sắt giải ngân 664 tỷ đồng (34,7%), vượt 91 tỷ đồng; Ban QLDA 6 giải ngân 1.381 tỷ đồng (34,3%), vượt 380 tỷ đồng.
4 đơn vị mặc dù chưa đạt mức giải ngân 33,3% theo yêu cầu của Bộ trưởng nhưng đã có chuyển biến tích cực, giải ngân bù được phần chậm kế hoạch tháng 4 và vượt kế hoạch giải ngân tháng 5, gồm: Ban QLDA 7 giải ngân 1.746 tỷ đồng (33,1%), vượt 345 tỷ đồng; Ban QLDA 85 giải ngân 443 tỷ đồng (33%), vượt 76 tỷ đồng; Ban QLDA 2 giải ngân 1.032 tỷ đồng (30,4%), vượt 93 tỷ đồng và Tổng cục Đường bộ VN giải ngân 588 tỷ đồng (29%), vượt 105 tỷ đồng.
Bên cạnh các Ban QLDA có kết quả giải ngân tốt và chuyển biến tích cực, đại diện Vụ KH-ĐT thông tin thêm về một số đơn vị như Ban QLDA Mỹ Thuận có kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu, dự kiến giải ngân 1.060 tỷ đồng (28,8%), chậm 380 tỷ đồng do kết quả đấu thầu dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch chậm.
Ban QLDA 5 giải ngân 40 (32,3%) cho phần thu hồi ứng trước kế hoạch; chưa giải ngân dự án QL40B do tỉnh đề nghị bổ sung nguồn vốn để GPMB nhưng không cân đối được. Cục Hàng hải Việt Nam mới được giao kế hoạch năm 2022, đang triển khai thiết kế kỹ thuật - dự toán các dự án nên chưa có kết quả giải ngân.
Đối với nhóm các Sở GTVT, Ban QLDA địa phương, Vụ KH-ĐT cho biết, đến hết tháng 5, Sở GTVT Nghệ An có kết quả giải ngân tốt nhất với 365 tỷ đồng (71,6%), đáp ứng kế hoạch giải ngân theo tháng đã đăng ký.
Ba đơn vị đạt kết quả giải ngân trên 33,3% theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT, song, chưa đáp ứng kế hoạch giải ngân đăng ký, gồm: Sở GTVT Hà Nam giải ngân 522 tỷ đồng (56,3%), chậm 27 tỷ đồng; Sở GTVT Thanh Hóa giải ngân 134 tỷ đồng (42,6%), chậm 25 tỷ đồng, Sở GTVT Điện Biên giải ngân 175 tỷ đồng (41,8%), chậm 24 tỷ đồng.
Đối với 9 đơn vị có kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu trong tháng 4, có ba đơn vị đạt kết quả giải ngân trên 33,3% và vượt kế hoạch giải ngân theo tháng đã đăng ký, gồm: Sở GTVT Kon Tum giải ngân 126 tỷ đồng (50,7%) vượt kế hoạch 20 tỷ đồng; Ban QLDA CTGT và NNPTNT Đắk Lắk giải ngân 293 tỷ đồng (39%), vượt 66 tỷ đồng; Sở GTVT Hậu Giang giải ngân 45 tỷ đồng (35%), vượt 5 tỷ đồng.
6 đơn vị chưa đạt kết quả giải ngân trên 33,3%, tuy nhiên cơ bản đáp ứng kế hoạch giải ngân theo tháng đã đăng ký gồm: Sở GTVT Hà Giang giải ngân 67 tỷ đồng (21,8%); Sở GTVT Lào Cai giải ngân 20 tỷ đồng (19%); Sở GTVT Thái Bình giải ngân 64 tỷ đồng (18,3%); Sở GTVT Hải Phòng giải ngân 49/308 tỷ đồng (15,8%); (5) Sở GTVT Yên Bái giải ngân 22 tỷ đồng (11,5%); Sở GTVT Hải Dương giải ngân 12 tỷ đồng (9,6%) .
5 đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do mới được giao kế hoạch, đang triển khai công tác đấu thầu, gồm: Sở GTVT Đồng Tháp giải ngân 7 tỷ đồng (1,8%); Sở GTVT Quảng Bình giải ngân 6,5 tỷ đồng (6,5%); Sở GTVT Cao Bằng giải ngân 3 tỷ đồng (4%); Sở GTVT Tuyên Quang giải ngân 2,4 tỷ đồng (1,2%).
Ngoài ra, Sở GTVT Phú Thọ chưa giải ngân. Riêng Sở GTVT Ninh Bình chưa giải ngân dự án Cao Bồ - Mai Sơn do chưa thống nhất chủ trương triển khai hạng mục ITS.