Những mẫu đồng hồ trên được dán nhãn xanh lá, tức tạo ra lượng khí thải thấp trong quá trình sản xuất thấp. Chúng đáp ứng các tiêu chí trung hòa carbon như 100% điện sạch trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm, 30% trọng lượng là vật liệu tái tạo, 50% quá trình vận chuyển không sử dụng vận tải hàng không.
Apple cho biết đã giảm hơn 45% tổng lượng khí thải kể từ 2015 bằng cách tránh hoạt động tạo carbon, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức 65% cùng giai đoạn.
Theo hãng, phát thải carbon chủ yếu đến từ ba nguồn là điện năng, vật liệu và vận chuyển. Công ty đã tìm cách giải quyết từng nguyên nhân để cho ra đời thế hệ Apple Watch trung hòa carbon.
Với nguồn điện, nhà sản xuất linh kiện đồng hồ của Apple phải cam kết sử dụng 100% điện tái tạo. Để đảm bảo người dùng sạc thiết bị bằng năng lượng sạch, hãng đầu tư vào các dự án điện mặt trời và gió quy mô lớn trên thế giới. Nhờ đó, công ty và đối tác tạo ra khoảng 15 gigawatt điện sạch, tương đương lượng tiêu thụ của hơn 5 triệu hộ gia đình tại Mỹ. Dự kiến, 300 nhà cung cấp khác của hãng sẽ tham gia Chương trình Năng lượng sạch tính đến 2030.
Về nguyên liệu, công ty dùng chất liệu vải tinh dệt (fine woven) thay thế da trên dây đeo Apple Watch và phụ kiện iPhone. Loại vải này có ưu điểm mềm mịn, cảm giác sờ chạm tương tự da nhưng bền chắc và làm từ 68% vật liệu tái chế. Ở Series 9, vỏ máy tạo bởi 100% chất liệu nhôm và hộp đựng cũng bằng nguyên liệu sợi có thể sử dụng lại. Dự tính đến 2025, Apple hoàn thành một số mục tiêu khác như 100% nam châm làm bằng đất hiếm tái chế, 100% cobalt tái chế trong pin và 82% vật liệu trên Sport Band được tận dụng từ lưới đánh cá cũ.
Về vận chuyển, Apple đánh giá quá trình di chuyển của các thiết bị chiếm 9% lượng phát thải carbon. Do đó, công ty hướng tới vận tải hàng hóa số lượng lớn bằng đường biển hoặc đường sắt thay vì hàng không. Theo nghiên cứu, tàu biển ít tạo ra khí nhà kính hơn 95% so với máy bay.
Sau khi giảm phát thải ở sản phẩm, Apple cho biết sẽ bù đắp lượng khí thải còn lại bằng các khoản tín dụng carbon chất lượng cao, chủ yếu đến từ những dự án cải tạo thiên nhiên như phục hồi đồng cỏ, đất ngập nước và rừng rậm. Ngoài ra, công ty giới thiệu thêm tính năng dự báo lưới (grid forecast) trên Apple Watch, giúp người dùng nhận biết khi nào trong ngày đồng hồ có cơ hội được sạc bởi các nguồn năng lượng sạch.
Từ 2019, Apple đã tăng gấp 5 lần việc dùng năng lượng tái tạo trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hạn chế 17,4 triệu tấn khí thải CO2 cho môi trường. Hãng cũng đã sử dụng điện tái tạo để cung cấp năng lượng cho văn phòng, trung tâm dữ liệu và cửa hàng bán lẻ của mình ở 44 quốc gia và vùng lãnh thổ.