Ngày 23/6, thẩm phán Michael Murphy ở Australia chấp nhận thỏa thuận giữa Samsung và Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) về khoản tiền nêu trên.
Cách đây ba năm, ACCC đệ đơn tố Samsung lừa dối khách hàng. Cơ quan này cho rằng công ty Hàn Quốc đã triển khai hơn 300 quảng cáo liên quan đến khả năng chống nước trên các mẫu smartphone ra mắt kể từ tháng 2/2016. Số quảng cáo sau đó được xác định là 684.
Quảng cáo về tính năng chống nước được Samsung đăng trực tuyến, trên các phương tiện truyền thông, TV và biển quảng cáo. Nội dung trong đó nói về việc smartphone có thể sử dụng trong hồ bơi hoặc tắm biển, nhưng không nói rõ đó chỉ là kết quả trong phòng thí nghiệm và không đưa ra cảnh báo cho người dùng về các nguy cơ gặp phải trong thực tế.
Theo Caryn Van Procter, luật sư của ACCC, thiết bị Samsung nếu sử dụng trong nước mặn hoặc hồ bơi thực tế "có nguy cơ bị hư hỏng do ăn mòn đối với cổng sạc của điện thoại". Samsung sau đó thừa nhận điều này tại tòa.
Thỏa thuận dàn xếp kể trên chỉ áp dụng cho 7 thiết bị ra mắt ở giai đoạn 2016-2018. Trong thời gian này, Samsung bán được ba triệu smartphone Galaxy, nhưng không phân loại model nào chống nước.
ACCC cũng cho biết đã có hàng trăm nghìn lượt xem xem quảng cáo Samsung trên Facebook và Twitter, nhưng việc xác định nạn nhân trong trường hợp này là không thể.
Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb nói: "Hình phạt này là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, rằng tất cả các tính năng sản phẩm khi công bố phải được chứng minh về khả năng thực. Mọi tuyên bố gây hiểu lầm cho người tiêu dùng đều phải bị xử lý".
Không chỉ Samsung, Apple cũng nhiều lần bị kiện về tính năng chống nước trên iPhone, như tại Mỹ và Italy. Tuy nhiên, vụ ở Mỹ sau đó bị tòa án bác bỏ.