Tết Nguyên Đán năm nay đến sớm hơn mọi năm. Do vậy, vào khoảng thời gian này mọi người đã bắt đầu lên kế hoạch sắm Tết. Bên cạnh đó, bởi vì biến động kinh tế trong cả năm nay, nhiều người trẻ đã quyết định có những thay đổi trong chi tiêu ngày Tết để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại.
Săn sale vé máy bay, áo dài trước Tết 2 tháng
Mỹ Trương, 26 tuổi, vừa đặt vé máy bay khứ hồi để đi du lịch Tết vào dịp giảm giá trong tháng 11. Nếu săn đúng vào những ngày cận điểm Tết dương, giá lên tới 3,5 triệu khứ hồi, giá vé cô bạn mua rơi vào khoảng 2 triệu hơn.
Mỹ Trương
Bên cạnh đó, Thu Hà 22 tuổi, 2 tháng trước Tết đã bắt đầu mua trước quần áo, giày dép cho năm mới. Ngoài ra, cô bạn cũng mua bánh kẹo, trà, mứt có hạn sử dụng dài để dễ bảo quản.
"Khi sắm trước như vậy, tuỳ từng món sẽ được chiết khấu khác nhau. Thông thường, khi săn sale, mình sẽ được giảm 10-20%. Dù không nhiều, tính tổng lại phần đã được giảm giá cũng không phải là con số nhỏ".
Theo kinh nghiệm của Thu Hà, vào thời điểm trước Tết, các mặt hàng đều khá đa dạng và được giảm giá. Nếu đợi gần Tết mới sắm đồ, có khi những sản phẩm muốn mua không còn mà giá cả lại tăng. Những năm trước dịch bệnh bùng phát, thời điểm cuối năm cũng đông đúc hơn, để hạn chế tiếp xúc nên tranh thủ mua sắm trước Tết.
Thu Hà
Mặt khác, Hoàng Thảo, sống ở Phú Thọ thường sẽ sắm Tết vào tháng cuối cùng. Tuy nhiên, theo cô, từ khoảng ngày 20 tháng chạp trở đi, các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng cao, càng gần Tết, giá cả càng tăng cao. Do vậy, một số gia đình mà Hoàng Thảo biết thường sẽ mua sắm sớm hơn, mục đích là để tiết kiệm hơn.
Hạn chế mua sắm quần áo, đồ trang trí ngày Tết
Hoàng Thảo dự định sẽ mua sắm Tết ít hơn. Cơ bản vẫn giữ tinh thần là Tết đoàn viên ấm cúng nhưng sẽ không chi mạnh tay như các năm trước đó.
"Cũng xuất phát từ năm nay nhà mình có thêm thành viên mới, mọi chi tiêu cần cân nhắc, tính toán kỹ càng hơn. Mình cũng cần tiết kiệm hơn mọi năm. Bên cạnh đó, bão giá, gia đình mình kinh doanh, doanh thu bị ảnh hưởng nhiều. Mình hạn chế chi tiêu và tiết kiệm hơn".
Cô dự tính sẽ cân đối lại ngân sách và giảm chung cho các mặt hàng sắm Tết. Chẳng hạn, mọi năm sắm cành đào lớn, năm nay sẽ mua cành nhỏ hơn. So với năm cũ, mỗi thành viên trong gia đình vào 3 ngày tết sẽ được mua 3 bộ quần áo mới thì năm nay cô cắt giảm xuống còn 1-2 bộ.
Hoàng Thảo
Cũng giống Hoàng Thảo, Vũ Tiên, 26 tuổi dự tính sẽ giảm chi tiêu cho Tết năm nay so với năm ngoái do những biến động trong nền kinh tế. Cô bạn mong muốn tiết kiệm hơn để có khoản dự phòng, và khuyên gia đình bớt sắm sửa.
"Nhà mình có nhóm chat gia đình, mình thường xuyên gửi các video hay thông tin cảnh báo tình hình biến động của kinh tế cũng như những điều cần làm để có tài chính vững vàng trong thời gian này. Sau đó, ở các bữa cơm sẽ nhắc khéo: Con nghĩ Tết chỉ 5 ngày, chợ cũng sớm họp trở lại nên không cần mua nhiều đồ tích trữ. Cây đào nên mua cành nhỏ nhỏ đủ để chơi mấy ngày Tết và không cần mua thêm cây quất như năm trước nữa".
Mọi năm trong dịp Tết Nguyên đán, cô bạn thường sẽ gửi bố mẹ khoản tiền khá nhiều để sắm sửa. Song năm nay, Vũ Tiên tính toán sẽ sắm ít hơn, dành tiền phòng thân. Hiện tại, cô bạn đang làm tự do, vì vậy dễ bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian bão giá này nhất.
Vũ Tiên
Xuân Quỳnh (25 tuổi) cũng quyết định không mua sắm quá nhiều quần áo mới, giày dép, đồ trang điểm, cũng không có ý định tiêu tiền để làm tóc hay móng tay trong Tết năm nay. Lý do một phần là năm nay tiền thưởng cuối năm không được như năm trước. Hơn nữa, khi càng lớn cô bạn cảm thấy sống tối giản sẽ tốt hơn, bớt mệt tinh thần cũng như tài chính. Việc chạy đua theo người khác về vẻ bề ngoài thực sự không còn cần thiết.
“Mình dành các khoản lương thưởng cuối năm, cũng như trích thêm phần tiết kiệm ra để mua sắm, dành riêng cho ba mẹ một số tiền nhỏ trang trải cho dịp tết. Mình cũng đã tính luôn tiền quà biếu họ hàng, mừng tuổi ông bà và mấy đứa em nhỏ. Tính ra để có 1 cái tết 'ấm' thì cũng tốn vài chục triệu đồng. Tuy tốn kém, nhưng dù sao công sức cày cuốc cả năm, cũng là để cho dịp lễ tết được chi tiêu thoải mái hơn".