Theo báo Bắc Giang, Công ty Aurous, một quỹ đầu tư tại Singapore vừa ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) và Công ty VinaCapital trong một dự án đầu tư liên danh xây dựng tổ hợp công nghiệp và đô thị trị giá 2,5 tỷ USD tại tỉnh Bắc Giang.
Dự án 2,5 tỷ USD sẽ bao gồm một khu tổ hợp công nghiệp 500 ha và khu đô thị 200ha với các khu vực nhà ở xã hội dành cho công nhân. Trong đó, các tổ hợp được hứa hẹn sẽ thu hút các dự án công nghệ sạch và tiên tiến với hàm lượng chất xám cao. Để thực hiện được mục tiêu đó và đáp ứng đời sống công nhân, chuyên gia và người dân khu đô thị, khoản đầu tư sẽ đi vào xây dựng các cơ sở vật chất logistics và dịch vụ phụ trợ.
Dự tính, sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách, mà còn tạo ra việc làm và nguồn lực phát triển cho tỉnh Bắc Giang.
Nằm trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Singapore từ 24-26/2, đây là dự án lớn nhất thuộc thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị 11 tỷ USD giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore ký kết trong Đối thoại doanh nghiệp hai nước diễn ra ngày 25/2.
Trong thời gian tiếp theo, Saigontel, Vinacapital và đối tác Singapore Aurous sẽ khảo sát và nghiên cứu tính khả thi của dự án. Sau khi được các cấp phê duyệt và cấp phép đầu tư, dự án sẽ được triển khai ngay.
Bắc Giang trong thời gian qua đã hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, đặc biệt ở mảng công nghệ. Năm 2021, bất chấp tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, chính Saigontel của tỷ phú Đặng Thành Tâm vẫn tăng tốc đầu tư cơ sở vất chất KCN Quang Châu của mình tại địa phương này. KCN đến nay được coi là lớn điểm sáng của Bắc Giang, với tổng diện tích 426 ha. thu hút được loạt "ông lớn" như Siflex, Hosiden (Hàn Quốc), Nichirin, Oji (Nhật bản), Crystal Martin, LuxShare -ICT, JA Solar (Hồng Kông), Umec, Wintek, L&C Tech (Đài Loan), Trung Nguyên (Việt Nam)... Chỉ trong hai tháng đầu năm 2022, tỉnh này cũng đã thu về 303.3 triệu USD đầu tư.
Về Aurous Capital, đây là một công ty quản lý đầu tư thành lập năm 2019 với trụ sở tại Singapore, mang đến các giải pháp đầu tư tập trung vào thị trường châu Á. Theo thông tin chia sẻ trên các trang truyền thông của mình, công ty hiện đang hoạt động mạnh tại thị trường Trung Quốc trong mảng tái cấu trúc các khoản nợ xấu có thế chấp nhà đất (Non-Performing Loans). Trong bối cảnh nợ bất động sản Trung Quốc trở thành tài sản đang khiến nhà đầu tư e ngại nhất, các công ty như Aurous hay Goldman Sach lại coi đây là cơ hội để mua các bất động sản này với giá rẻ.
Chia sẻ về môi triển vọng đầu tư vào thị trường này, CEO Aurous Capital, Kenneth Yeo cho hay: “Trung Quốc đã có những trình tự quy định và pháp lý minh bạch để thực hiện mua bán nợ xấu. Chính phủ này đã rất khẩn trương triển khai những quy định pháp luật và ngân hàng, tạo cơ sở cho việc tái cấu trúc nợ xấu”