Tháng 4/2019, ông Vương Minh Quốc đến sở cảnh sát thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc đề nghị tìm giúp một người bạn tên Trương Đạo Hán, mất liên lạc từ 31 năm trước, để trả lại 50.000 tệ đã vay của người này.
Ông Vương kể, năm 1988 đang là giám đốc tài chính của Văn phòng Quảng Châu thuộc cục Ngoại thương tỉnh Hà Nam. Trương Đạo Hán là khách hàng, sau đó trở thành bạn bè.
Tháng 7 năm đó, Vương Minh Quốc đi công tác và bị mất cắp chiếc cặp chứa 880.000 hối phiếu mua hàng. Dù sau đó cảnh sát tìm lại được, không thiệt hại về kinh tế nhưng Vương bị giáng chức, hạ ba bậc lương. Lương thấp hơn rất nhiều, vợ con lại sống ở Mỹ, không đủ chi tiêu nên Vương xin nghỉ việc để khởi nghiệp.
Ông Vương đã tìm đến Trương Đạo Hán vay 50.000 tệ, một số tiền lớn thời điểm đó. Từng được giúp đỡ nên Trương cho bạn vay mà không có giấy ghi nợ, cũng không một lời ràng buộc.
Sau khi vay được tiền, ông Vương đến tỉnh Hà Nam kinh doanh quặng chì nhưng thất bại. Không nản, người đàn ông này tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chưa lần nào thành công. Không có tiền trả nợ, lại xấu hổ với bạn nên Vương không dám liên lạc với Trương. Cả hai mất thông tin liên lạc của nhau.
"Tôi vẫn luôn tự hứa với bản thân, dù thế nào cũng phải trả nợ Trương Đạo Hán, khi kiếm được đủ tiền", ông Vương chia sẻ.
Tuy vậy, gần 30 năm trôi qua nhưng ông Vương vẫn không kiếm đủ tiền trả nợ. Lúc này ông đã già, không còn sức lực để kinh doanh nữa. Tháng 6/2017, con gái của Vương Minh Quốc đang ở Mỹ muốn đón bố sang đó nghỉ hưu. Vì nhiều năm không được gặp vợ con nên ông quyết định xuất ngoại. Tuy vậy món nợ chưa trả được khiến người đàn ông này cảm thấy tội lỗi, mất ăn mất ngủ.
Sang Mỹ được hơn hai năm, vì không quen cuộc sống cũng như đau đáu về món nợ chưa trả được, ông Vương quyết định trở về Trung Quốc. Thương cha, cô con gái biếu ông ít tiền. Cộng với số tiền tiết kiệm được trong những năm trước, việc đầu tiên ông Vương nghĩ đến là đi trả món nợ năm xưa.
Tháng 4/2019, Vương Minh Quốc vừa trở về từ Mỹ đã lên tàu đến thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc- quê hương của Trương Đạo Hán. Vì mất thông tin liên lạc nên ông đến đồn cảnh sát thành phố để nhờ giúp đỡ. Sau vài giờ, cảnh sát cũng liên lạc được với ông Trương.
Nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, ông Trương nghĩ rằng đây là một vụ lừa đảo. Nhưng khi nghe lại câu chuyện, ông đã nhớ ra Vương Minh Quốc. Sau nhiều năm, Trương Đạo Hán cũng đã quên khoản nợ này.
Sau khi cho Vương Minh Quốc vay tiền, việc kinh doanh của Trương Đạo Hán ảnh hưởng rất nhiều bởi số tiền lúc đó bằng nửa gia sản của ông. Khi mà nguồn vốn hạn hẹp, bị đối thủ chèn ép, ông cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt để phát triển.
"Tôi không tiếc số tiền cho bạn vay, chỉ tiếc mất tình bạn vì Vương đã cắt đứt liên lạc với tôi sau đó. Bởi vậy sau hơn 30 năm nhận được cuộc điện thoại này, tôi rất khó tin", ông Trương nói.
Trong cuộc tái ngộ, Vương Minh Quốc đã trả lại cho bạn cũ 100.000 tệ (361 triệu đồng). Dù số tiền gấp đôi khoản nợ năm xưa nhưng ông Vương biết chẳng thấm tháp gì nếu quy đổi theo thời giá. Ông Trương cũng đồng ý nhận lại tiền, không tính toán thêm.
Chiều hôm đó, hai người bạn nhiều năm không gặp đã ôm nhau kể lại chuyện cũ. Vương Minh Quốc rất xúc động, liên tục nói lời xin lỗi, trong khi ông Trương xua tay: "Không sao, ông trở lại tìm tôi thế này đã chứng minh tôi không nhìn sai người".
Gần đây, câu chuyện này mới được chia sẻ trên truyền thông Trung Quốc. Nhiều người tỏ ra khâm phục sự thật tâm của Vương Minh Quốc. "31 năm, khoản nợ đã qua thời hạn truy thu có hiệu lực, chưa kể không có giấy ghi nợ. Về mặt pháp lý, Vương Minh Quốc có thể không cần trả lại tiền. Nhưng ông đã không làm như vậy. Đúng là nếu bạn không có chữ tín, bạn sẽ chẳng có gì ", một người chia sẻ quan điểm.
Trong khi đó, phần đông người dùng mạng lại đồng tình với quan điểm: "Sau nhiều năm, mặc dù khoản tiền 100.000 tệ không đủ bù đắp cho sự mất mát của Trương Đạo Hán, nhưng thay vào đó, ông tìm được niềm tin và người bạn cũ đã thất lạc từ lâu. Đây chính là cái kết của lòng tốt".
(Theo 163.com)