CTCP Xây dựng số 9 (HNX: VC9) vừa có thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2022. Bao gồm việc Công ty sẽ đổi tên từ tên sang CTCP Xây dựng số 9 - VC9, tên viết tắt cũng được thay đổi từ Vinaconex 9 JSC thành VC9.
Trước VC9, nhiều công ty từng là thành viên của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) cũng đã đổi tên sau khi Tổng Vinaconex thoái vốn. Đối với VC9, hồi tháng 11/2021, Tổng Vinaconex đã bán toàn bộ 4,32 triệu cổ phiếu VC9 (tỷ lệ 36,94%).
Cùng với đó, nội dung xin ý kiến đáng chú ý hơn là VC9 đề nghị ĐHĐCĐ cho phép điều chỉnh số liệu BCTC theo ý kiến kiểm toán.
Cụ thể, trên BCTC kiểm toán độc lập năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến loại trừ: "Trong năm, Công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bản tương úng vói doanh thu đã ghi nhận của một số công trình xây dựng với số tiền 29.502.913.821 VNĐ theo các quy định kể toán hiện hành ở Việt Nam".
Tiếp đó, Báo cáo kiểm toán năm 2020 được kiếm toán bởi Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (AASCN) đánh giá: "Trong năm, Công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn hàng bán tương ứng với doanh thu đã ghi nhận của một số công trình xây dựng với số tiền 111.074.111.691 VNĐ theo các quy định kế toán hiện hành ở Việt Nam".
HĐQT VC9 cho biết đã cho rà soát lại và phối hợp với đơn vị kiểm toán AASC để thống nhất số liệu. Kết quả là Giá vốn hàng bán năm 2019 bị ghi nhận thiếu 59,45 tỷ đồng, Giá vốn hàng bán năm 2020 bị ghi nhận thiếu xấp xỉ 86 tỷ đồng.
VC9 cho biết, các nguyên nhân chính dẫn tới Giá vốn hàng bán chưa ghi nhận đầy đủ trong năm 2019 và 2020 như sau:
(1) Đối với công trình đã ghi nhận hết doanh thu: Năm 2019 và 2020 Công ty chưa kết chuyển đầy đủ giá vốn tương ứng với doanh thu đã ghi nhận, phần giá vốn chưa kết chuyển đang được Công ty phản ánh trên khoản mục "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang" thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2020. Theo đó phần giá vốn ghi nhận thiếu cần phải được ghi nhận bổ sung đảm bảo nguyên tắc phù họp trong kế toán.
(2) Đối với Công trình đang thi công dở dang tính đến thời điểm 31/12/2019 và 31/12/2020: Công ty đã ghi nhận Giá vốn theo con số tạm tính theo tỷ lệ Giá vốn trên Doanh thu thấp hơn so với Giá vốn ước tính tại Phương án kinh doanh đã xây dựng và Chi phí thực tế của công trình đã tập hợp tương ứng với doanh đã ghi nhận đến 31/12/2019 và 31/12/2020.
Ngoài ra, Công ty còn một số khoản công nợ phải thu khó đòi, trong đó hầu hết là các khoản công nợ phát sinh từ trước năm 2016. Công ty đã thực hiện các biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản công nợ này nhưng chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Sau khi rà soát và đánh giá lại, HĐQT đề nghị cổ đông thông qua việc điều chỉnh số liệu, trích lập dự phòng Nợ quá hạn thanh toán và khó thu hồi năm 2019 là 255 triệu đồng và trích dự phòng Nợ quá hạn thanh toán và khó thu hồi năm 2020 là 101 triệu đồng.
Việc hồi tố giá vốn hàng bán tăng vọt và trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi vào chi phí quản lý doanh nghiệp đã khiến kết quả kinh doanh năm 2019, 2020 của VC9 cũng phải điều chỉnh theo. Cụ thể, năm 2019, VC9 đang lãi 910 triệu đồng thì sau điều chỉnh đã lỗ ròng gần 59 tỷ đồng. Năm 2020, VC9 ghi nhận lỗ ròng từ 21 tỷ đồng (trước hồi tố) lên 107 tỷ đồng (sau hồi tố).
Do ghi nhận lỗ lớn trong 2 năm 2019 và 2020, lỗ lũy kế chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 là 165,6 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu (120 tỷ đồng). Sang năm 2021, VC9 ghi nhận doanh thu thuần 210 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, lãi ròng VC9 đạt 1,7 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến cuối năm 2021, tổng số lỗ luỹ kế VC9 vẫn vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Đây cũng là một trường hợp phải hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, nhưng việc xem xét áp dụng tình huống này sẽ phải chờ sau khi VC9 ra báo cáo tài chính kiểm toán.
Một trường hợp tương tự khác khác gây nhiều tranh cãi thời gian gần đây liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG). Cũng hồi tố BCTC các năm 2017, 2018, 2019 dẫn tới kết quả kinh doanh chuyển từ lãi thành lỗ. Dù vậy, năm 2021 khi Công ty kinh doanh khởi sắc và có lãi trở lại, cơ quan chức năng xem xét việc huỷ niêm yết khiến cổ đông dậy sóng. Trong đơn kêu cứu mới đây, cổ đông đề nghị cân nhắc để đảm bảo lợi ích cho nhóm cổ đông mới (những người tham gia mua cổ phiếu HAG từ tháng 4/2021 và không nhận bất kỳ những cảnh báo nào về việc DN có tình hình tài chính xấu).