Fitch hạ bậc xếp hạng nợ công của Ukraine
Ngày 25/2, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating đã hạ bậc xếp hạng nợ công của Ukraine từ "B" xuống "CCC", sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại miền Đông nước này.
Theo Fitch, chiến dịch quân sự của Nga đã gây rủi ro lớn cho tình hình tài chính công, sự ổn định tài chính vĩ mô và sự ổn định chính trị của Ukraine. Fitch cho rằng khó có thể nhận định cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu và với mức độ nào, cũng như gây tác động đến đâu.
Fitch Rating đã hạ bậc xếp hạng nợ công của Ukraine. (Ảnh: News Text Area)
"Nguồn thanh khoản từ bên ngoài tương đối thấp so với số nợ 4,3 tỷ USD của Ukraine và dòng vốn bị rút ra sẽ khiến tình hình tài chính suy yếu hơn", Fitch nhấn mạnh.
Fitch cho rằng, cú sốc lòng tin này có thể sẽ tác động lớn đến hoạt động kinh tế và đồng tiền, làm tăng sức ép lạm phát, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tài chính công còn chịu thêm tác động từ việc ngân sách quốc phòng tăng và khả năng thanh toán nợ sẽ bị hạn chế đáng kể.
Tín dụng trái phiếu Nga xuống mức “vô giá trị”
Trong khi đó, theo đánh giá được đưa ra ngày 25/2, hãng xếp hạng tín dụng Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng trái phiếu Nga xuống mức "vô giá trị".
Cả hai thị trường tài chính của Nga và Ukraine đều rơi vào hỗn loạn trong tuần này, sau khi Nga tấn công Ukraine, cũng là cuộc tấn công quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, khiến Moscow phải chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây.
Nga hiện đang được xếp hạng Baa3 bởi Moody's và BBB- của S&P Global và Fitch, do nước này có tỷ lệ nợ thấp nhất thế giới, ở mức 20%, và có dự trữ ngoại hối 650 tỷ USD.
Tuy nhiên theo Moody's, xếp hạng tín dụng của Nga đã bị đánh giá ở mức “vô giá trị”, “phản ánh các tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga”.
Thông thường, qua trình xếp hạng tín dụng có thể kéo dài vài tháng, nhưng lần này, Moody's cho biết có thể thúc đẩy quá trình nhanh hơn, dựa trên quy mô của xung đột quân sự và mức độ khắc nghiệt mà các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga, vốn cũng đã tác động đến các ngân hàng hàng đầu, việc xuất khẩu quân sự và các thành viên thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga bị xếp hạng tín dụng “vô giá trị”. Năm 2015, Moody's và S&P đã từng xếp hạng tín dụng nước này ở mức “vô giá trị” sau khi sáp nhập Crimea và giá dầu giảm mạnh, gây ra cuộc khủng hoảng của đồng Ruble.
Cũng trong ngày 25/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Ukraine đã đề nghị hỗ trợ khẩn cấp, ngoài chương trình viện trợ 2,2 tỷ USD hiện nay.