BS.CKI Bùi Thị Khuyên, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, bệnh sởi có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong năm. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất dễ lây lan qua không khí, do virus sởi gây ra.
Trẻ mắc sởi thường có triệu chứng như sốt cao, ho, chảy mũi, viêm kết mạc và xuất hiện những nốt ban đỏ trên da. Ban đỏ thường bắt đầu từ mặt, sau đó lan ra toàn thân. Dù các biểu hiện ban đầu có thể giống với bệnh cảm lạnh thông thường nhưng nếu không điều trị kịp thời, bệnh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Trùm kín, kiêng gió quá mức
Trùm kín, kiêng gió quá mức xuất phát từ suy nghĩ lo sợ trẻ bị nhiễm lạnh khiến bệnh nặng hơn. Song, theo bác sĩ Khuyên, thói quen này có thể gây tác dụng ngược. Trùm kín mít làm cho thân nhiệt càng tăng cao. Trường hợp trẻ sốt cao không hạ thân nhiệt kịp thời, hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng, tím tái, sốt cao co giật, thậm chí dẫn tới tử vong.
Trẻ ở trong không gian lưu thông không khí kém làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, oi bức, bố mẹ không cần thiết phải kiêng gió quạt cho trẻ. Nắng nóng khiến cơ thể mệt mỏi hơn, tiết nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây bội nhiễm. Trẻ bị sởi nên mặc quần áo thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.
Kiêng nước
Không được vệ sinh cơ thể sạch sẽ, trẻ dễ bị nhiễm trùng da và có nguy cơ viêm phổi. Trẻ bị sởi được tắm rửa đúng cách giúp làm sạch mồ hôi, chất bẩn trên cơ thể, nhờ đó bé cảm thấy thoải mái, dễ ngủ. Song, phụ huynh nên tắm cho trẻ bằng nước tắm đủ ấm (khoảng 33-35 độ C) và tắm nhanh trong phòng kín gió. Tránh tắm cho trẻ vào buổi tối, giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, không để trẻ bị lạnh.
Bố mẹ nên giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng thói quen đánh răng hai lần mỗi ngày. Thường xuyên súc miệng với nước muối sinh lý với nước ấm để làm sạch miệng và giảm cảm giác khó chịu ở vùng miệng, họng.
Hạn chế ăn uống
Bác sĩ Khuyên cho biết hạn chế ăn uống khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, dẫn đến suy nhược và tăng nguy cơ biến chứng do sởi. Trẻ cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Trong bữa ăn hàng ngày cần đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu gồm đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Bố mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ với thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Tăng cường bổ sung vitamin A nhằm tăng sức khỏe cho mắt, tránh biến chứng viêm loét giác mạc.
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Bố mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước ép trái cây như nước cam, nước ổi... nhằm tăng cường vitamin C, từ đó tăng cường hệ miễn dịch, nhanh khỏi bệnh.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất, dễ tiêu hóa được khuyến khích. Ảnh minh họa: Lam Anh
Tự ý cho trẻ uống thuốc
Do thời gian ủ bệnh của sởi thường kéo dài từ 12 đến 14 ngày, thậm chí có thể lên tới 21 ngày và trong giai đoạn khởi phát, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng sốt từ nhẹ đến cao, chảy nước mắt và nước mũi, ho... nên các bố mẹ thường khó phát hiện trẻ bị sởi. Nhiều người thường tự mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm sốt để điều trị tại nhà.
Bác sĩ Khuyên lưu ý sốt chỉ là triệu chứng, việc dùng thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng giảm sốt tức thì. Trong khi nguyên nhân gây bệnh sởi là do virus, không đáp ứng với thuốc kháng sinh. Lạm dụng thuốc còn làm tăng tỷ lệ kháng thuốc, khiến trẻ gặp nhiều tác dụng phụ không đáng có, gây hại cho gan, thận của trẻ.
Để phòng bệnh sởi, theo bác sĩ Khuyên phụ huynh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ vaccine sởi theo khuyến cáo, luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc sử dụng chất khử trùng tay, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng. Bổ sung đầy đủ vitamin, rau củ có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |