Xã hội

Sài Gòn là sự hòa hợp

Tóm tắt:
  • Ngày thống nhất đất nước đem lại nhiều cuộc đoàn viên xúc động trong gia đình.
  • Gặp lại bà con sau nhiều năm xa cách, mọi người giữ quan điểm riêng nhưng trân trọng tình cảm gia đình.
  • Những câu chuyện về gia đình, lịch sử và những tác phẩm nghệ thuật do chính người thân tạo ra được khám phá.
  • Các hoạt động xây dựng tượng đài, mộ phần thể hiện niềm tin và lòng kính trọng với lịch sử.
  • Dù sống xa quê, tình cảm và ký ức về Sài Gòn vẫn luôn hiện hữu trong lòng mỗi người.

Sau ngày 30.4.1975, lịch sử có biết bao cuộc đoàn viên cảm động bất ngờ, những câu chuyện chưa hề biết được kể lại. Gia đình tôi cũng thế, còn gay cấn hơn khi không phải chỉ tan đàn xẻ nghé bà con họ hàng "đi Nam năm 1954" mà thêm hơn 20 năm sau đó, 1975 lại ra đi lần nữa và nhiều người già đã mất ở miền xa xứ.

Tôi nhớ bữa cơm họp mặt bà con đầu tiên ở Sài Gòn sau 30.4.1975 nhân một đám giỗ, số người ở lại đã rất ít nhưng vẫn còn phải dắt nhau đến trước mặt để giới thiệu: "Đây là ông Hậu, cha của các cô Phú, cô Thanh Quý...", "Còn đây là con anh Vỹ, đây là con chị Khánh ở Hà Nội vào...". Nhiều người trong chúng tôi biết nhau khi còn bé, nay ngỡ ngàng gặp lại. Các cô tôi ngày xưa cùng tôi nhảy lò cò ở thị xã nhỏ Quảng Yên, nay đã là trí thức, bác sĩ, kỹ sư. Vài người cậu tôi là lính, sĩ quan trong chính quyền Sài Gòn…

Sài Gòn là sự hòa hợp - Ảnh 1.

Tượng Đức Thánh Trần trên bán đảo Phương Mai, TP.Quy Nhơn, Bình Định

ẢNH: DŨNG NHÂN

Khác nhau rất nhiều trong quan điểm chính trị và lối sống, nhưng mọi người cứ tự do giữ lấy quan điểm không tranh cãi, và coi tình gia đình là quý báu. Việc gặp lại đã là điều tưởng chỉ có trong mơ.

Gặp lại bà con và từ đó đến nay, tôi đã thành dân Sài Gòn - TP.HCM và hòa mình với bao thăng trầm của cuộc sống gần 40 năm ở nơi đây.

Tôi có dịp để biết nhiều câu chuyện lấp đầy khoảng cách thương nhớ của cha mẹ tôi đã khuất ở Hà Nội không bao giờ biết được.

MỘT NGƯỜI SÀI GÒN XÂY DỰNG TƯỢNG Đức Thánh Trần

Tôi "phát hiện" những chuyện thật hay của dòng họ nhờ vào cuộc sống nơi đây.

Bà con họ hàng tìm ở thư viện đưa cho tôi tấm hình quý mà tôi chưa từng biết. Đó là bức vẽ của cha tôi từ khi ông còn là cậu bé 15 tuổi ngồi vẽ tranh bán ở bờ hồ Hoàn Kiếm để thêm tiền đi học. Tranh vẽ chủ đề cổ "Sĩ vương", nét vẽ cổ xưa đen trắng, ghi rõ tên thật cha tôi Nguyễn Hữu Phác - mà người dân Hải Phòng chỉ biết là đại tá Nguyễn Chất, chỉ huy trưởng quân sự TP.Hải Phòng, người mà họ rất quen thuộc vì ông hay vào kiểm tra tình hình bà con sơ tán tránh bom máy bay Mỹ oanh tạc.

Ngày cha tôi mất, trong đám tang ở Hải Phòng vào cuối buổi, khi các đoàn đại biểu cơ quan viếng xong hết thì có nhiều bà con dân phố xin vào viếng, vì "Nếu không có ông, chúng tôi đã chết cả rồi. Ông vào kiểm tra, bắt buộc đi sơ tán hết, không được lười trốn ở lại. Và quả nhiên đêm ấy máy bay Mỹ rải thảm san bằng khu xóm chúng tôi".

Ngay chính cha tôi chắc cũng không hề biết bức tranh mình vẽ ngày còn bé, nay bà con họ hàng tại Sài Gòn tìm thấy đưa cho các con ông. Chắc ngày xưa cái ông Tây dừng lại xem chú bé vẽ bên bờ hồ và mua bức tranh đó, có thể ông là một nhà nghiên cứu văn hóa Đông Dương đã sưu tầm và in bức vẽ vào một cuốn sách mà tôi có được hôm nay. Nếu không thống nhất đất nước, chúng tôi sẽ chẳng biết được chuyện lạ này, bức vẽ này trong một thư viện ở Sài Gòn.

Một chuyện hay hơn nữa là cậu tôi, kiến trúc sư Đàm Quang Việt, xưa là quân số của Bộ Tư lệnh Hải quân của chính quyền Sài Gòn, là người được lưu danh ngoài Bình Định vì ông là tác giả bức tượng Trần Hưng Đạo trên đồi Hải Minh, thuộc bán đảo Phương Mai, một làng đánh cá lâu đời thuộc TP.Quy Nhơn.

Sài Gòn là sự hòa hợp - Ảnh 2.

Tượng Trần Hưng Đạo được thể hiện trong tư thế một vị tướng chuẩn bị xung trận

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Nếu ta tìm trên Google sẽ ra câu chuyện ấy.

Trước đây, người Pháp và dân trong vùng có dựng cây đèn biển giúp tàu thuyền định hướng, trên vùng đất hoang phế.

Tôi đến "phỏng vấn" cậu tôi, một kiến trúc sư đến từ miền mà ta hay gọi là "Bắc 54" từ khi còn trẻ, lớn lên học hành và vào lính Hải quân của chính quyền Sài Gòn, sống tại Sài Gòn.

Cậu tôi kể:

"Dân đánh cá và bà con ở đó có nguyện vọng khôi phục ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo, được coi như linh thiêng phù hộ cho người đi biển. Chính quyền sở tại đề đạt nguyện vọng và kinh phí tự nguyện đóng góp. Việc xây dựng được phân công cho Hải quân VNCH đảm nhiệm.

Ban đầu có một điêu khắc gia nữa, nhưng sau ông rút lui, chỉ còn cậu là kiến trúc sư cùng Giám đốc công trường Mai Trọng Truật, với sự góp sức của binh lính, hoàn thành sau 2 năm, vào đầu 1973.

Tượng Trần Hưng Đạo cao 11 m, chân đế 4 m, tư thế đứng mũi thuyền rồng chỉ tay oai nghiêm. Người dân ở đây có đức tin lớn, họ tin rằng Đức Thánh Trần không chỉ thắng giặc Nguyên Mông xưa mà còn ngăn bão tố, che chở bình yên".

Cậu tôi chỉ cho tôi xem bức đại tự treo trên tường "Thọ ân Thánh đức" của Hội Đức Thánh Trần Bình Định tặng cậu tôi vào mùa đông năm Nhâm Tý 1972 (Nhâm Tý niên trọng đông).

LUÔN MANG TRONG TIM

Chuyện liên quan đến cậu, tôi còn cảm động hơn nữa. Khi đưa mộ cha mẹ tôi về quê Sơn Tây, chính cậu lại thiết kế ngôi mộ đôi độc đáo hình cánh sen vươn cao.

Bây giờ sống ở Sài Gòn - TP.HCM, lòng nhớ thương về quê nhà - "tôi nhớ Ba Vì mây trắng lắm" (thơ Quang Dũng) - nơi mây trắng vấn vương trên ngôi mộ cánh sen độc đáo vươn lên giữa cánh đồng, do người sĩ quan chế độ Sài Gòn làm cho anh chị - người Đại tá QĐND VN.

Có lần phỏng vấn nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Đình Đầu (cụ mới mất ở tuổi 104), tôi hỏi cụ chủ đề: Ai là người Sài Gòn? Vì sao có sự trái ngược trong tính cách buôn bán giao thương nhưng lại trọng chữ Tình, giữ chữ Tín? Vì sao đất mới, con người hòa đồng nhưng lại có rất nhiều hội đồng hương?...

Hôm ấy cụ nói rất kỹ về phẩm chất Sài Gòn hòa đồng dễ dung nạp, trọng chữ tình, hiền hòa sống nhưng quyết liệt trong tranh đấu...

Có thể cảm nhận phẩm chất ấy không chỉ từ trong lịch sử, mà nó lặng ẩn trong các câu chuyện cảm động của mỗi gia đình. Nó chính là Hòa hợp.

Và tôi hiểu vì sao người con gái một vị tướng nổi tiếng của Sài Gòn xưa, đã rời VN năm 1975 ấy, lại thường hỏi thăm con trai tôi về ngôi nhà xưa của bà ở Q.5.

Chuyện đã được tôi nhắc đến trong một bài báo, viết cả trên Facebook được rất nhiều bạn thích, thế này: Khi đất nước vào cuộc Đổi mới năm 1986, tôi ôm đứa con trai mới 6 tuổi chuyển vào TP.HCM, ở nhờ nhà anh chị trên đường Ngô Quyền, Q.5, đúng ngôi nhà lớn của vị tướng chế độ Sài Gòn xưa, nay thành nơi ở của các gia đình bộ đội.

Đứa con trai 6 tuổi ấy của tôi nay là một họa sĩ sống ở Mỹ và không rõ cách nào họ biết nhau qua internet, người con gái viên tướng kia liên hệ để... hỏi thăm về ngôi nhà xưa của bà ở Q.5 mà con tôi đã từng ở trong ngôi nhà đó.

Vì thế năm nào khi về TP.HCM, chàng họa sĩ cũng đứng trước ngôi nhà ấy, chụp hình mới để gửi cho bà nhà văn, con gái vị tướng Sài Gòn xưa.

Dẫu đi xa, dẫu khác biệt về quan điểm, lối sống, ai cũng luôn mang Sài Gòn - TP.HCM trong tim. 

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

Đừng mắc 2 sai lầm nguy hại về nguồn nước khi pha sữa cho con

Pha sữa cho trẻ nhỏ tưởng chừng là việc đơn giản nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu cha mẹ mắc phải những sai lầm trong việc dùng nước pha sữa. Dưới đây là 2 sai lầm phổ biến thường gặp và giải pháp giúp cha mẹ an tâm hơn khi chăm sóc trẻ.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Hà Nội: Kỳ lạ khu đô thị nghìn tỷ nhiều năm "án binh bất động", UBND Hoài Đức yêu cầu Công ty Lũng Lô 5 phải báo cáo trước ngày 6/5/2025

Khu đô thị Nam 32 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 làm Chủ đầu tư sau nhiều năm chậm trễ do nợ thuế, chậm giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể xây dựng. Người dân nhiều lần gửi đơn khiếu kiện nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Vì thế, UBND huyện Hoài Đức vừa có văn bản yêu cầu Chủ đầu tư phải khẩn trương thực hiện dự án.

Thủ tướng: Khẩn trương trình Quốc hội các cơ chế đặc thù thống nhất cho tất cả các dự án đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đướng sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026; giao các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5.

Lật tẩy thủ đoạn mới của nhóm sản xuất thuốc giả, sữa giả

Theo Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả vừa qua sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Chúng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore…