Công suất sạc nhanh liên tục bứt phá
Tại MWC 2022, Oppo đã giới thiệu củ sạc SuperVOOC với công suất 150 W kích thước nhỏ gọn, có thể sạc smartphone pin 4.500 mAh lên 50% trong 5 phút và đầy 100% trong 15 phút. Bên cạnh đó, Oppo cũng giới thiệu công nghệ sạc nhanh SuperVOOC với công suất tới 240 W giúp sạc điện thoại đầy 50% trong 3 phút 30 giây và dưới 10 phút để đạt 100%.
Honor cũng giới thiệu tại MWC 2022 smartphone Magic 4 Pro với sạc nhanh 100 W. Năm ngoái, Mi Mix 4 của Xiaomi được trang bị sạc nhanh công suất 120 W cho phép sạc đầy pin chỉ mất 15 phút, sạc nhanh không dây 50W cho phép sạc đầy pin trong vòng 28 phút.
Ngoài ra, hiện nay còn có các công nghệ sạc nhanh khác như Warp Charge của OnePlus, SuperDart Charge của Realme, Super Flash Charge của Vivo... Hầu hết có công suất vượt 80 W. Việc sạc nhanh ngày càng được cải thiện giúp người dùng rút ngắn thời gian nạp năng lượng cho điện thoại. Đây là điểm tích cực trong bối cảnh công nghệ pin chưa được cải tiến. Tuy nhiên, thông số công suất sạc chưa hẳn chính xác.
Công suất sạc cao không bao giờ được duy trì liên tục
Theo các chuyên gia, công suất sạc do nhà sản xuất công bố thường là mánh lới để quảng cáo bởi smartphone thực tế không nhận đủ công suất như vậy. Chẳng hạn, nếu củ sạc hỗ trợ công suất 100 W, điện thoại chỉ nhận được khoảng 80% (tức 80 W) do các tổn hao khi dòng điện di chuyển, các tác động do nhiệt và vật lý.
Nhưng quan trọng hơn, người dùng cần hiểu rằng công suất sạc cao chỉ áp dụng cho thời gian rất ngắn và thường ở đầu chu kỳ sạc. Mức năng lượng được trích dẫn trong các tài liệu tiếp thị hầu như luôn được cung cấp cho điện thoại trong vài phút, thậm chí còn ít hơn thế.
Androidauthority đã thử nghiệm bốn smartphone có tốc độ sạc nhanh hiện nay gồm Oppo Find X5 Pro (80 W), OnePlus 9 Pro (65 W), Xiaomi Mi 11 Ultra (67 W) và Samsung Galaxy S22 Ultra (45 W). Trong số này, ba smartphone đầu tiên sạc đầy trong chưa tới 40 phút, còn điện thoại Samsung mất một tiếng.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở đây là công suất sạc theo thời gian. Theo biểu đồ, hầu hết điện thoại được đẩy công suất sạc lên cao nhất chỉ trong chưa tới hai phút đầu tiên, dù nó đủ để nhanh chóng đưa pin lên khoảng 20% trước khi giảm năng lượng xuống mức thấp hơn. Ở các phút tiếp theo, công suất được duy trì ở mức thấp hơn, thậm chí như Galaxy S22 Ultra ở dưới mức 20 W trong gần một nửa thời gian.
Với các công suất sạc cao trên 200 W, các chuyên gia cho rằng mức duy trì mốc này có thể chỉ vài giây "nếu may mắn", còn hầu hết sẽ ở mức thấp hơn. "Mức công suất cao nhất không thể hiện tốc độ sạc của điện thoại. Thông số công suất sạc trung bình sẽ hữu ích hơn, nhưng bạn sẽ không thể biết vì nó thường thấp hơn nhiều và không có trong các tài liệu tiếp thị", Androidauthority bình luận.
Dung lượng và tuổi thọ pin quan trọng hơn sạc nhanh
Sạc nhanh đang được coi là một trong những tiêu chuẩn trên smartphone tầm trung và cao cấp những năm gần đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu sạc quá nhanh sẽ không tốt cho pin smartphone, bởi dòng điện cao khi nạp vào điện thoại sẽ sản sinh nguồn nhiệt lớn, dễ gây cháy nổ hoặc về lâu dài sẽ khiến cả pin và máy giảm tuổi thọ.
Hiện nay, một số nhà sản xuất đã có các giải pháp cải thiện. Chẳng hạn, Oppo tính toán pin smartphone họ sẽ còn 80% dung lượng ban đầu sau 800 chu kỳ sạc, tức khoảng hai năm. Gần đây, hãng đưa vào công nghệ mới trên Find X5 Pro cho phép tăng lên 1.600 chu kỳ, tức bốn năm. Đây là con số khá tốt nếu dựa trên thói quen người dùng trung bình khoảng ba năm thay smartphone một lần.
Dù vậy, các công nghệ tối ưu sạc nhanh chỉ được các hãng smartphone áp dụng trên sản phẩm cao cấp. Đối với phân khúc tầm trung và giá rẻ, các tính năng này có thể không được trang bị nên có thể khiến pin của máy giảm tuổi thọ nhanh hơn.
Do đó, các chuyên gia cho rằng sạc siêu nhanh chỉ là giải pháp tình thế. Thay vì cố gắng tìm đến các smartphone có công nghệ này, người dùng có thể chọn các mẫu dung lượng pin lớn, tốc độ sạc vừa phải, có các tính năng tối ưu giúp thời gian sử dụng thực tế lâu hơn.