Quốc lộ 13 được xem là tuyến đường huyết mạch kết nối giữa TP HCM - Bình Dương - Bình Phước với hàng trăm nghìn lượt xe lưu thông mỗi ngày. Trong đó, đoạn quốc lộ chạy qua Thuận An, Thủ Dầu Một và TP HCM là những khu vực có lưu lượng xe đông, thường xảy ra ùn tắc, là điểm nghẽn phát triển kinh tế cho địa phương.
Sau dịp Tết Nguyên Đán 2022, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, nhanh chóng khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 13 dịp 30/4 tới.
Dự án sẽ mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) có chiều dài 12,7 km. Trong đó, giai đoạn I mở rộng đoạn từ Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố dài 4.875 m, giai đoạn II mở rộng đoạn từ cầu Ông Bố đến nút giao thông Hữu Nghị dài 2.868m; giai đoạn III mở rộng từ nút giao thông Tự Do đến giao lộ Lê Hồng Phong dài 4.898m. Dự kiến, tuyến đường mở rộng thêm hai làn xe rộng 12 - 18m, nâng tổng số làn xe lên 8 làn, bề mặt đường rộng từ 39,5 đến 40,5m.
Ngoài ra, trên tuyến Quốc lộ 13 còn xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa với quy mô dài 880 m rộng 17 m; cầu vượt ngã tư Hòa Lân dài 646 m, rộng 17 m. Đồng thời, mở rộng cầu Tân Phú thêm một đơn nguyên hướng từ TP HCM đi TP Thủ Dầu Một, nâng tổng chiều rộng cầu lên 40,5 m; xây dựng cống hộp ba làn tại trạm thu phí Suối Giữa.
Hiện việc kiểm kê cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm khởi công dự án. Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 được kỳ vọng tiếp tục tạo ra "bộ khung kỹ thuật" để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị.
Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải - giảng viên Đại học Ngân hàng TP HCM đánh giá đoạn quốc lộ chạy qua Thủ Dầu Một và Thuận An được triển khai sẽ tạo ra sức bật lớn cho nền kinh tế. Trong đó, Thuận An sẽ là khu vực sở hữu nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, để tạo ra cú bật lớn cho thị trường.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Bình Dương, Thuận An sẽ trở thành trung tâm đô thị, dịch vụ. Đại lộ tài chính, thương mại, các tòa tháp biểu tượng được quy hoạch tại Thuận An, ngay khu vực trung tâm Lái Thiêu, từ hai bên đường quốc lộ 13 tới đường Nguyễn Văn Tiết.
Ngoài cung đường huyết mạch Quốc lộ 13 tạo bước đà đưa Thuận An trở thành trung tâm đô thị và dịch vụ của cả tỉnh, trong năm 2022 và 2023, hàng nghìn tỷ đồng cũng sẽ được UBND Tỉnh Bình Dương giải ngân vào hàng loạt dự án nâng cấp hạ tầng cho TP Thuận An.
Cụ thể, đường ĐT 743a và đường ĐT743b sẽ mở rộng lộ giới 54 m. Đường ĐT 743c và ĐT746 sẽ mở rộng lộ giới 42m. Đường liên khu vực hướng Bắc Nam gồm đường ĐT 745, đường Thủ Khoa Huân nối dài qua Tân Uyên, đường tỉnh lộ 43 về Gò Dưa (TP HCM), đường liên khu vực số 1, 2, 5, 6, 7, 9 sẽ có lộ giới 32m. Hướng Đông Tây gồm hai tuyến đường Độc lập và Tự do (VSIP), tuyến liên khu vực số 3, 4, 8, 10 có lộ giới 32m.
Hạ tầng liên tục được nâng cấp, cộng thêm quy hoạch đại lộ tài chính, thương mại, dịch vụ tại trung tâm Thuận An, hứa hẹn giúp địa phương thu hút các tập đoàn sản xuất - thương mại quốc tế, các trung tâm thương mại quy mô, bệnh viện quốc tế; doanh nghiệp địa ốc phát triển các tổ hợp cao cấp cho các chuyên gia nước ngoài. Theo đó, các dự án càng quy hoạch bài bản từ đầu sẽ hưởng lợi lớn, đặc biệt là những dự án nằm trên trục quốc lộ 13.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc thiếu hụt nguồn cung nhà ở tại TP HCM và sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng tại các vùng phụ cận như Thuận An sẽ là nguồn động lực lớn cho tương lai của các thị trường này.
"Quỹ đất tại TP HCM càng ngày càng hẹp, do đó các chủ đầu tư hiện nay đều mở rộng ra các tỉnh lân cận. Bình Dương tiếp tục là kế thừa, là điểm đến tiếp theo cho thị trường căn hộ", bà Võ Thị Khánh Trang - Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, đánh giá.