Vài năm trở lại đây, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài liên tục phải cảnh báo về lừa đảo khi các doanh nghiệp giao thương với đối tác ngoại, đặc biệt trên đường biển khi số doanh nghiệp Việt bị lừa gia tăng. Nếu trước đây, họ bị lừa ở các quốc gia ít giao thương như châu Phi, Ấn Độ, nay tại các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Italy... cũng vấp phải các vụ tương tự.
Trước vụ 36 container điều bị mất kiểm soát, năm 2019, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu sang Senegal cũng từng bị lừa đảo khi người mua đã nhận được bộ chứng từ nhưng không thanh toán. Công ty xuất khẩu Việt Nam liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được. Phía ngân hàng người mua tại Senegal trả lời, người ký tên nhận bộ chứng từ không phải nhân viên của họ. Cuối cùng, doanh nghiệp Việt phải nhờ phía Thương vụ Việt Nam "đòi nợ" hộ.
Được mệnh danh là "vua" tiêu của Việt Nam nhưng ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, cũng phải thừa nhận làm ăn trên biển lớn có rất nhiều mối đe dọa.
Mối nguy này có thể đến từ chính thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, các thị trường đang phát triển như châu Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... thường gặp rủi ro nhiều hơn. Nhưng đa phần, các doanh nghiệp Việt vướng mắc trong khâu thanh toán, người mua bằng thủ đoạn tinh vi đã đánh cắp, tráo chứng từ hoặc nhận hàng nhưng không trả tiền hoặc từ chối nhận hàng khi các container đã cập cảng.
Ông Thông đánh giá vụ 36 container điều mất kiểm soát giống trường hợp doanh nghiệp ông gặp phải năm 2007. Khi đó, người mua đề nghị số lượng lớn hạt tiêu sang Bulgari và ông đã suýt xuất 37 container đi theo lời họ thúc giục. Điểm chung là người mua đều yêu cầu thanh toán qua ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
"Ở thời điểm đó, người mua liên tục hỏi chúng tôi mã vận đơn. Cách xử lý của chúng tôi là không cấp số vận đơn bộ chứng từ cho đối tác", ông Thông kể. Nhờ vậy, Phúc Sinh may mắn tránh được cảnh mất hàng.
Theo ông Thông, ở vụ 36 container điều xuất sang Italy, rủi ro lớn là người mua cũng không đặt cọc gì cho lô hàng này. Với Phúc Sinh ở thời điểm 2007, do giá trị lô hàng lớn, doanh nghiệp yêu cầu phía đối tác phải đặt cọc 10% giá trị lô hàng, khoảng 243.000 USD.
"Doanh nghiệp phải nhận tiền cọc, không cung cấp số vận đơn cho đối tác trong bất kể tình huống nào. Ở sự vụ này, bị mất vận đơn và không nhận tiền cọc, khiến doanh nghiệp càng thiệt thòi", ông nhận xét.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T - cho rằng, xuất hàng bằng đường biển rủi ro xảy ra ở bất kỳ khâu nào nếu không tính toán kỹ. Ngay cả trường hợp hai bên chọn phương thức thanh toán T/T - (Telegraphic transfer, tức chuyển tiền bằng điện), có điều khoản, nhà nhập khẩu thanh toán trước một khoản tiền cọc cho bên bán vẫn có thể rủi ro. Đó là khi hàng cập bến, bên mua tìm mọi lý do để hủy. Với nông sản tươi, trường hợp này thiệt hại lớn, hàng trả về lại có nguy cơ hư hỏng vì quá trình di chuyển kéo dài.
Tuy nhiên, sự việc này ít xảy ra khi làm ăn với đối tác lâu năm, nhưng dễ gặp với đối tác mới. Do đó, ông Tùng cho rằng cần tìm hiểu kỹ về lịch sử kinh doanh của đối tác mới và có những quy định ràng buộc nhất định (tùy trường hợp).
Với vụ 36 container hạt điều mất kiểm soát, ông Tùng cho rằng, có thể người bán chưa chủ động phương thức thanh toán và quá đặt niềm tin vào môi giới xuất khẩu - những bên vốn giỏi "hứa hẹn".
Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận có sự vội vàng của doanh nghiệp điều. 36 container điều bị mất kiểm soát cho thấy người bán chưa tìm hiểu kỹ về người mua và tin tưởng quá vào môi giới. Khi rủi ro khó tìm ai để "nắm tóc". Mặt khác, trong phương thức thanh toán, doanh nghiệp thiếu các ràng buộc.
Trong giao thương quốc tế hiện nay, theo ông Tùng, các phương thức thanh toán D/P (nhờ thu tiền kèm chứng từ - Documents against Payment), T/T (chuyển tiền bằng điện) hay L/C (Letter of Credit, tức phương thức thanh toán bằng thư tín) đều phổ biến. Trong đó, D/P - phương thức mà các doanh nghiệp khi xuất 100 container điều vừa qua sử dụng - nhiều rủi ro nhất nhưng lại linh hoạt nhất, theo ông Tùng.
Với D/P, ngân hàng chỉ có vai trò là trung gian thu hộ, đảm bảo chứ không có trách nhiệm xác tín ngân hàng thu hộ ở nước ngoài, hoặc doanh nghiệp nhập khẩu. Còn T/T và L/C đều bắt bên mua thanh toán tiền đặt cọc trước, lúc này ngân hàng đứng vai trò đảm bảo. Ngân hàng sẽ thanh toán cho người bán nếu họ cung cấp đủ bộ chứng từ đã quy định theo hợp đồng và người mua cũng được ngân hàng đảm bảo hàng hóa sẽ được giao.
Do đó, ông Tùng khuyên các doanh nghiệp nên chọn T/T hoặc L/C để giảm rủi ro khi bán hàng cho đối tác ngoại. Đồng thời, với những khách hàng mới, cần siết chặt các quy định thanh toán và phương thức giao hàng và chứng từ.
Nhưng thực tế giao thương lại cho thấy, đôi khi doanh nghiệp Việt ở thế yếu khi phải phụ thuộc vào bên mua và họ được chủ động chọn phương thức thanh toán.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, trọng tài viên, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), phương thức thanh toán D/P, có nhiều hình thức trao chứng từ. Thường các doanh nghiệp sử dụng hình thức vận đơn được phát hành theo lệnh của ngân hàng thu hộ, giao hàng theo lệnh của ngân hàng thu hộ. Tức là, chỉ khi nào người mua trả tiền cho ngân hàng, nhà băng mới ký hậu vận đơn, trao cho người mua để đi nhận hàng. Nếu trong trường hợp trên, người bán nắm rõ luật và làm vận đơn theo cách thức này thì ngay cả khi bộ chứng từ bị thất lạc, bất kỳ ai có bộ chứng từ trong tay cũng không lấy được hàng. Nhưng trường hợp 36 container hạt điều mất kiểm soát, doanh nghiệp lại chọn hình thức trao chứng từ và hàng hóa trực tiếp cho người mua nên đây là khâu rủi ro.
"Đây là tối kỵ trong ngoại thương", ông Tiến nói. Bởi nếu giao hàng trực tiếp cho người mua chỉ thường xảy ra trong hai trường hợp: công ty mẹ giao dịch với công ty con, hoặc các chi nhánh giao dịch với nhau hoặc là đối tác làm việc lâu năm, giá trị lô hàng nhỏ... Còn trong mọi trường hợp, chỉ nên giao hàng theo lệnh của ngân hàng thu hộ, để đảm bảo an toàn. Đây là sơ suất nhất trong vụ việc này.
Bài học rút ra từ vụ việc này, theo ông Tiến, doanh nghiệp không thể làm tắt trong giao dịch thương mại quốc tế. Nếu thiếu kiến thức trong giao dịch cần tham khảo thêm từ những cơ quan tư vấn xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần xác minh khách qua các kênh; chủ động soạn thảo hợp đồng để hiểu quy định nghĩa vụ các bên, cũng như các điều khoản bồi thường, miễn trách.
Còn theo ông Thông và ông Tùng, ngoài việc chọn đối tác uy tín, doanh nghiệp phải yêu cầu người mua đặt cọc nếu giá trị lô hàng lớn. "Nếu người mua là doanh nghiệp lớn, uy tín thì chúng ta có gửi nhầm chứng từ, họ cũng sẽ gửi trả lại người bán", ông Thông nói.
Trong trường hợp làm việc qua môi giới, ông Hậu cho rằng, doanh nghiệp cần xác minh vai trò và năng lực của môi giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xác minh thông tin khách hàng mà môi giới cung cấp qua nhiều kênh khác nhau để ra quyết định chính xác.
Theo thương vụ Việt Nam tại Italy, để nắm rõ thông tin đối tác, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ xác minh và các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng.