Doanh nghiệp

Chương trình "Tiếp sức nhà nông" hỗ trợ vốn để nông dân nghèo "yên tâm ở quê mình"

Chương trình Tiếp sức nhà nông hỗ trợ vốn để nông dân nghèo yên tâm ở quê mình - Ảnh 1.

Gia đình chị Triệu Thị Khuya - xã Phú Lộc, Nho Quan (Ninh Bình) nuôi bò tăng thu nhập - Ảnh: VŨ TUẤN

Khoản thu đầu tiên

Anh Bùi Cao Xuyến, thôn Hàm Rồng, xã Phú Lộc (Nho Quan, Ninh Bình), vui mừng chia sẻ, anh mới bán lứa gà gần 100 con. Đây là lứa gà đầu tiên anh "vào đàn" bằng tiền vốn của chương trình "Tiếp sức nhà nông". 

Anh cho hay, số tiền thu được anh dành một phần chi tiêu cho gia đình, phần còn lại anh tiếp tục đầu tư con giống, dự phòng thức ăn.

Gia đình anh Xuyến có 6 nhân khẩu, mẹ già sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau. Vợ chồng anh nuôi 3 đứa con ăn học và chăm sóc, chữa bệnh cho bà. Nhà lại chẳng có nhiều đất đai để trồng cấy, trong vùng ai có việc gì thuê thì anh, chị đi làm. 

Nghề làm thuê cứ "ráo mồ hôi là hết tiền", anh chăn nuôi lợn, nhưng mấy năm gần đây dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đàn lợn nhà anh Xuyến cũng chết cả. Có vốn, anh Xuyến sửa lại khu chuồng lợn cũ, xử lý nền để chuyển sang nuôi gà.

Chương trình Tiếp sức nhà nông hỗ trợ vốn để nông dân nghèo yên tâm ở quê mình - Ảnh 2.

Nhiều nông dân chọn nuôi gia cầm để nhanh quay vòng vốn - Ảnh: Hà Thanh

Ngày anh nhận vốn vay cũng là ngày anh được tập huấn kỹ thuật nuôi giống gà Sơn Tây quy mô hộ gia đình. Anh Xuyến nuôi thử, dùng phiếu thức ăn của nhà tài trợ GREENFEED kết hợp với cách làm thức ăn anh học được, đàn gà của anh khỏe mạnh, lớn nhanh.

"Nói chung nuôi gà nhanh quay vòng vốn. Tôi mong muốn công ty đồng hành cùng chúng tôi trong quá trình chăn nuôi, khi phát hiện ra bệnh được tư vấn chữa ngay để bảo vệ đàn gà" - anh chia sẻ.

Anh Xuyến là một trong 40 hộ nông dân ở tỉnh Ninh Bình vừa được trao vốn trong chương trình "Tiếp sức nhà nông" cuối năm 2021. Mỗi hộ nông dân được vay 20 triệu đồng không lãi suất trong vòng 2 năm. 

Bên cạnh đó, đơn vị tài trợ Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam hỗ trợ phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng, tập huấn kỹ thuật và tiếp tục đồng hành cùng người dân trong sốt hành trình vươn lên làm kinh tế.

Chuồng trại không còn bỏ hoang

Bà Nguyễn Thị Điệp, ở thôn Rịa, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình), đã sửa sang lại dãy chuồng cũ, làm hầm biogas. Phần còn lại, bà Điệp mua 3 con lợn giống và một đàn vịt nho nhỏ. Nhìn lũ lợn trắng phau phau lớn nhanh như thổi, bà Điệp hy vọng vài tháng nữa bà sẽ có thêm một đàn lợn giống.

Chương trình Tiếp sức nhà nông hỗ trợ vốn để nông dân nghèo yên tâm ở quê mình - Ảnh 3.

Có vốn, hộ nông dân Đinh Văn Thiệng, xã Kỳ Phú, Nho Quan (Ninh Bình) xây dựng mô hình kinh tế gia trại tổng hợp - Ảnh: VŨ TUẤN

Gia đình bà Điệp có 6 người thì có 4 người đau ốm liên miên. Con trai bà đã mất, cô con dâu bị bệnh tim, con gái bà lại thiểu năng trí tuệ. Trước đây bà cũng nuôi lợn, nuôi gà nhưng những khoản chi chữa bệnh, cơm áo gạo tiền cho các con khiến bà "cụt" vốn. Hơn nữa, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến bà không dám nuôi vì sợ thiếu tiền đầu tư.

"Điều tôi lo nhất là thức ăn chăn nuôi thì được công ty hỗ trợ phiếu thức ăn rồi. Tôi yên tâm làm ăn, chăn nuôi nhỏ trước, xoay vòng vốn rồi phát triển lớn sau" - bà Điệp chia sẻ.

Cùng với lo lắng trước đây của bà Điệp, gia đình anh Đinh Văn Thiệng ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, muốn chăn nuôi nhưng chỉ lo về nguồn thức ăn. Mảnh vườn của gia đình anh còn rộng, anh trồng cỏ nuôi bò, phần còn lại dùng đồng vốn được hỗ trợ quây lại nuôi gà theo mô hình thả vườn. 

Sau vài tháng, đàn gà của gia đình anh Thiệng phát triển tốt. "Con to bây giờ cũng được 2kg rồi. Sau lứa này có kinh nghiệm, tôi nuôi nhiều hơn" - anh Thiệng nói.

Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, 40 hộ được hỗ trợ vốn trong chương trình "Tiếp sức nhà nông" đã "tái đàn" chăn nuôi. Hàng loạt khu chuồng trại bỏ hoang trước đây đã được tu sửa. Người sửa chuồng heo thành chuồng nuôi gà, vịt, người sửa hệ thống bể biogas, người lắp cả hệ thống tưới cho vườn cây…

Đa số các hộ nông dân chọn cách nuôi gà quy mô vừa và nhỏ để nhanh quay vòng vốn. Số khác "chớp thời cơ" nuôi lợn nái. Trong khi dịch tả lợn châu Phi trong vùng đã được kiểm soát, nhiều hộ chăn nuôi chưa tái đàn để nghe ngóng thị trường thì một số hộ đã đi trước nuôi lợn nái để cung cấp giống ra thị trường. 

Với quy mô hộ gia đình, nuôi lợn nái cho thu nhập khá nhưng không phải cạnh tranh gay gắt với các trang trại lớn. Nông dân không lo về đầu ra, điều họ lo lắng hơn cả là thức ăn thì đã được GREENFEED hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm