Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi từ xu hướng nói trên và ngành này vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt qua kết quả xuất khẩu của cả năm 2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Giá lập đỉnh cao
Tính đến nay, tổng công suất của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đạt 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,2 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4 triệu tấn/năm.
Năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 4,5 triệu tấn phân bón, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng 27,8% về giá so với năm 2020. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2 triệu tấn.
Năm 2021, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn phân bón, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch và giá tăng 41,2% so với năm 2020. Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Do đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga- Ukraine, giá các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh. Điều này khiến giá phân bón tăng vọt, xuất khẩu cũng tăng đột biến theo. Giá phân bón trên thế giới lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Dự báo, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20 - 40% trong thời gian tới.
Giá các loại phân bón tại thị trường Việt Nam có mối liên hệ khá mật thiết với thế giới do nước ta vẫn phải nhập khẩu lượng lớn phân bón. Thời gian vừa qua có 2 đợt tăng giá mạnh vào tháng 8/2021 khi Trung Quốc ban hành lệnh ngừng xuất khẩu phân bón và tháng 2/2022 khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng khi hai nước này chiếm phần lớn sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân bón. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất như khí, than, lưu huỳnh... cũng tăng phi mã, làm tăng giá thành sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến giá u rê đã tăng hơn gấp đôi, giá phân DAP tăng gần gấp 3, giá phân NPK tăng khoảng 30% kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Triển vọng cuối năm
"Giá khí hợp đồng của các doanh nghiệp phân bón, như DCM… đang neo với giá dầu thô thế giới. Nếu giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ tạo áp lực tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.
Giá phân bón các loại tăng mạnh đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành lãi lớn. Điển hình Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM), lũy kế 6 tháng đầu năm nay, DPM đã ghi nhận lãi ròng 3.394 tỷ đồng, gần gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, cao hơn lợi nhuận cả năm 2021. Với kết quả này, DMP đã đạt 98% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Hay như Công ty Cổ phần DAP- Vinachem (UPCoM: DDV) cũng lãi lớn trong 6 tháng đầu năm nay (lợi nhuận ròng đạt 293 tỷ đồng, tăng tới hơn 69% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ gián đoạn nguồn cung DAP khi các quốc gia lớn như Trung Quốc, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón.
Trong giai đoạn nửa cuối 2022, giá bán của các sản phẩm phân DAP vẫn được duy trì cao. Chi phí đầu vào sản xuất phân DAP là quặng apatit và lưu huỳnh, trong đó quặng apatit có xu hướng neo giá cao, còn lưu huỳnh tăng giá mạnh do thiếu hụt nguồn cung từ Nga sẽ khó có thể khôi phục sớm.
Trong bối cảnh nguồn cung phân bón thế giới thiếu hụt, các doanh nghiệp phân bón nội địa có thể tận dụng thời cơ gia tăng sản lượng sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, nhóm ngành này hứa hẹn sẽ còn dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay.
Rủi ro tiềm ẩn
Dù còn nhiều dư địa tăng trưởng như đã phân tích ở trên, nhưng ngành phân bón vẫn còn nhiều rủi ro, nhất là dưới áp lực giá phân bón tăng phi mã, Bộ Công thương đã chỉ đạo các ngành tăng dự trữ phân bón để đảm bảo nguồn cung ứng không bị đứt gãy. Bộ Công thương cũng đề xuất các biện pháp đối phó với tình trạng tăng giá và yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành không đầu cơ tích trữ. Theo đó, Việt Nam có thể tạm dừng xuất khẩu phân bón để bình ổn giá cả trong nước.
Bên cạnh đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế xuất khẩu 5% như hiện hành. Còn riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành. Như vậy, nhiều khả năng hàng triệu tấn phân bón xuất khẩu có khả năng bị ảnh hưởng nếu áp thuế xuất khẩu 5%. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón.