Công nghệ

Robot phục vụ giá rẻ từ Trung Quốc đổ bộ Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, robot phục vụ nhà hàng, quán ăn được ưa chuộng, một phần do giới chủ khó tuyển nhân viên trong bối cảnh nước này giảm lực lượng lao động và tăng lương. Bên cạnh đó, các cỗ máy cũng được thực khách yêu thích nhờ các "dịch vụ không chạm" sau đại dịch.

"Tôi không phải lo lắng về việc thuê người nữa. Chúng không bao giờ ốm hay phàn nàn về khối lượng công việc của mình", Kwon Hyang-jin, người sử dụng robot trong một nhà hàng ở phía đông Seoul, cho biết.

Một robot phục vụ nhà hàng của thương hiệu Keenon. Ảnh: Straitstimes

Một robot phục vụ nhà hàng của thương hiệu Keenon. Ảnh: Straitstimes

Xu hướng mới được ủng hộ rộng rãi. Nhưng theo các nhà sản xuất Hàn Quốc, việc chính phủ nước này khuyến khích sử dụng robot bất kể xuất xứ đang làm suy yếu ngành công nghiệp robot nội địa - vốn là chìa khóa để giảm tình trạng thiếu lao động ở Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

"Chúng tôi lo robot giá rẻ Trung Quốc thống trị thị trường Hàn Quốc, khiến rất khó cạnh tranh với họ", CEO một hãng robot nói. "Chúng tôi đang cố gắng khắc phục điểm yếu về giá bằng robot chất lượng cao, nhưng không hề dễ dàng".

Theo Hiệp hội Công nghiệp Robot Hàn Quốc (KARI), có khoảng 5.000 robot hoạt động trong các nhà hàng Hàn Quốc vào năm ngoái, tăng 67% so với 2021. Con số này dự kiến nhân đôi lên 10.000 trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường robot Hàn Quốc đang bị chi phối bởi các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Đến nay, 70% robot bồi bàn hoạt động ở Hàn Quốc là do Trung Quốc sản xuất. Chúng có giá từ 10 triệu won (7.460 USD) đến 30 triệu won (22.620 USD), rẻ bằng một phần năm so với robot Hàn Quốc.

"Các chủ nhà hàng thích robot Trung Quốc vì rẻ và chức năng tốt", một quan chức của KARI nói. "Về mặt công nghệ, Trung Quốc không đứng sau Hàn Quốc. Họ còn thương mại hóa robot sớm hơn, cũng như có tính cạnh tranh hơn về mặt chi phí".

Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), Hàn Quốc là quốc gia có mật độ robot cao nhất thế giới, với 1.000 robot trên 10.000 người, hơn nhiều so với mức 399 ở Nhật Bản, 322 ở Trung Quốc và 274 ở Mỹ. Chúng xuất hiện rộng rãi trong các nhà máy sản xuất ôtô và bán dẫn nhưng cũng ngày càng trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Vào tháng 4, Quốc hội Hàn Quốc thông qua luật cho phép robot giao hàng hoạt động trên vỉa hè và khu vực công cộng. Tháng trước, văn phòng giáo dục Seoul đưa ra kế hoạch thí điểm sử dụng robot nấu ăn tại các trường công lập. Theo Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, thị trường robot dịch vụ Hàn Quốc dự kiến tăng gần gấp đôi, với doanh thu từ 530 triệu USD trong năm nay lên một tỷ USD năm 2026, mức tăng trung bình hàng năm là 23%.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), các công ty robot Hàn Quốc hiện tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành ở Nhật Bản, Mỹ, Đức và Trung Quốc về khả năng cạnh tranh vì phụ thuộc nhiều vào linh kiện lẫn phần mềm nước ngoài. "Không dễ đảm bảo khả năng cạnh tranh về giá vì chúng tôi phải nhập khẩu hầu hết linh kiện từ Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu, trong khi đối thủ Trung Quốc chủ yếu sử dụng linh kiện trong nước", CEO một công ty sản xuất robot Hàn Quốc nói.

Chính phủ Hàn Quốc hiện thúc đẩy sử dụng robot bằng cách trợ cấp tới 70% giá mua robot dịch vụ bất kể nguồn gốc của chúng. Nước này cũng không áp thuế đối với robot nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính sách mới mang lại cho các chủ nhà hàng như Hyang-jin cơ hội tiết kiệm chi phí. Ông đã sử dụng robot thuê từ B-Robotics, một công ty thuộc tập đoàn Woowa Brothers, với giá 300.000 Won (225 USD) mỗi tháng. Hiện mức lương tối thiểu hàng tháng cho một nhân viên ở Hàn Quốc là 2 triệu won (1.500 USD).

"Thật vui khi được robot phục vụ. Ban đầu, tôi lo nó có thể cho bất cứ thứ gì đó vào đồ ăn, nhưng không hề có sự cố nào như vậy cả", Lee So-yeon, khách quen tại nhà hàng của Hyang-jin, cho hay.

(theo FT)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm