Dịch bệnh và những hạn chế di chuyển khiến con người có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Một số người được hỏi nói rằng sẽ xem các chương trình truyền hình, kết nối trực tuyến với người thân yêu, đọc sách, hoặc không làm gì cả.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra những khoảng nghỉ trong ngày giúp làm con người giảm căng thẳng và tăng mức độ hạnh phúc.
Shanti Sadhwani, 29 tuổi, lãnh đạo một công ty tư vấn truyền thông ở Hong Kong, từng kín lịch làm việc với đồng nghiệp và khách hàng. Nhưng mọi thứ thay đổi khi đại dịch ập đến. Sadhwani có nhiều thời gian để tập thể dục, nghe podcasts, đưa chó đi dạo ở công viên, xem tivi, cùng chồng nấu cơm và thưởng thức bữa ăn với gia đình, sau khi giải quyết công việc online.
Trước đây, cô chỉ ngủ nướng hoặc nằm dài xem tivi khi rảnh. "Đó là một trải nghiệm thụ động vì tôi không lên kế hoạch cho ngày nghỉ. Nhưng hiện tại, tôi đã sắp xếp thời gian để làm việc và nghỉ ngơi theo kế hoạch", cô nói.
Nghiên cứu công bố tháng 9/2021 trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội, dành thời gian nghỉ ngơi rất tốt cho sức khỏe tinh thần. Nhưng nếu không nghỉ hoặc nghỉ quá ít dễ dẫn đến căng thẳng và sức khỏe giảm sút, còn ngủ quá nhiều lại gây ra những tác động tiêu cực.
Marissa Sharif ở Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) và nhóm của cô đã phân tích hai bộ dữ liệu từ hàng chục nghìn người và nhận thấy thời gian rảnh tăng lên khiến sức khỏe và mức độ hạnh phúc được cải thiện.
Nhóm đầu tiên cho thấy khi thời gian rảnh tăng thì sức khỏe cũng tốt lên. Điều này chững lại sau khoảng hai giờ và bắt đầu giảm sau năm giờ. Ở nhóm thứ hai, họ nhận thấy mức độ rảnh rỗi cao hơn có liên quan đáng kể đến mức độ hạnh phúc cao hơn, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có thời gian nghỉ ngơi điều độ thường có cảm giác hạnh phúc hơn so với người nghỉ ngơi quá nhiều hoặc quá ít. Những người hay tập thể dục, chạy bộ cũng có mức độ hạnh phúc cao hơn những người chỉ xem tivi hoặc sử dụng máy tính.
Theo Reema Khanna, cố vấn và giám đốc lâm sàng tại Breathe Counseling ở Hong Kong, xem chương trình truyền hình, lướt mạng xã hội là những hoạt động không cần sự vận động của trí óc, giống như "chế độ lái xe tự động". "Nhưng nếu để tình trạng này hoạt động quá lâu, những suy nghĩ tiêu cực sẽ xâm chiếm", vị cố vấn nói. Suy nghĩ tiêu cực bao gồm những điều như "Tôi làm việc ở nhà không hiệu quả như ở văn phòng" hoặc "Tôi cảm thấy tội lỗi vì đã xem một loạt phim đêm qua thay vì đi ngủ sớm".
Thực tế, suy nghĩ tiêu cực là bình thường và tự nhiên, giúp con người đánh giá những rủi ro và lợi ích trong mọi hoạt động. Nhưng nếu tiêu cực quá nhiều lại khiến con người dần trở nên mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Do vậy, điều quan trọng là tìm được sự cân bằng giữa buồn chán và khả năng khích lệ tinh thần, thể chất để có sức khỏe cảm xúc tốt hơn.
Để bảo tồn năng lượng tinh thần, con người nên phối kết hợp các hoạt động: tập thể dục, kết nối với mọi người trực tuyến và trực tiếp; thực hành chánh niệm như viết nhật ký, nấu bữa cơm đặc biệt; thực hiện một khóa học trực tuyến hoặc nghe chia sẻ; vẽ tranh; làm vườn; hay bất cứ điều gì bản thân thấy thoải mái.
Còn với Sadhwani, cân bằng được công việc bận rộn và cuộc sống cá nhân giúp cô có một cuộc sống thoải mái.
"Giữa công việc, những cam kết với gia đình và cuộc sống xã hội, tôi không có nhiều thời gian thừa để lãng phí nên luôn cố gắng sử dụng nó một cách khôn ngoan. Nhưng vẫn không quên dành thời gian nghỉ ngơi vì chúng giúp tôi thư giãn", người phụ nữ 29 tuổi bộc bạch.
(Theo SCMP)