Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 15/4, ông Vương Đình Huệ cho biết Thường vụ sẽ xem xét kết quả của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".
Nghị quyết 43 quy định gói tổng thể tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp gắn với việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về một số công trình quan trọng quốc gia. "Nội dung giám sát tối cao dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và là trọng tâm của công tác giám sát", ông Huệ nói.
Theo ông, Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Thường vụ sẽ cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Tháng 1/2022, Quốc hội thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế tại kỳ họp bất thường. Quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đó khẳng định việc thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ cho phục hồi kinh tế nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 6,5-7%; lạm phát dưới 4%, ổn định vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế.
Theo nghị quyết, gói giải pháp tài khóa gồm miễn, giảm thuế phí, đầu tư phát triển... Trong đó, chính sách tăng chi cho đầu tư, phát triển (y tế, an sinh xã hội, việc làm, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng...) từ nguồn ngân sách là 176.000 tỷ đồng trong hai năm (2022-2023).
Chính sách tài khóa cũng gồm khoản chi cho miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có mức thuế suất 10%, trừ lĩnh vực viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, khai khoáng...
Chính sách tiền tệ sẽ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất vay với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục được tái cấp vốn để cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Đến tháng 10/2023, báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kết quả thực hiện các gói hỗ trợ còn hạn chế. Theo đó, gói hỗ trợ lãi suất vay 2% trị giá 40.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại sau gần một năm rưỡi triển khai mới giải ngân khoảng 1,7%.
Theo ông Dũng, nguyên nhân là do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra dù doanh nghiệp đủ điều kiện. Họ cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ, như phải theo dõi chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, kiểm toán của cơ quan Nhà nước.
Ngoài ra, khách hàng cũng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất, do khoản này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông. Việc xác định đối tượng đủ điều kiện "có khả năng phục hồi" theo Nghị quyết 43 cũng gặp khó khăn.