Chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 32, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.
Tại Trình bày tờ trình của Chính phủ, về điều chỉnh Chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình 7 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 2 dự thảo nghị quyết.
Trong đó, hai dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp gồm: Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng; và Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Đối với dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng, Chính phủ đề xuất 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về the chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, đảm bảo Thành phố có thể hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết so 43-NQ/TW.
Đối với dự thảo Nghị quyết cho Nghệ An, Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị quyết, Chính phủ đề xuất 5 nhóm chính sách với 17 chính sách cụ thể, gồm: Nhóm quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (5 chính sách); Nhóm quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường (3 chính sách); Nhóm quản lý đầu tư (4 chính sách); Nhóm phát triển kinh tế biển (2 chính sách); Nhóm tổ chức bộ máy và biên chế (3 chính sách).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo tờ trình, Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhưng trong nội dung thì đề nghị các chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị được áp dụng chính thức (không thí điểm) từ ngày 1.7.2026.
"Nội dung này không chỉ mâu thuẫn với chủ trương “thí điểm” như tên gọi của Nghị quyết mà còn không hợp lý về chính sách, vì đã là thí điểm thì phải có tổng kết, đánh giá trước khi xem xét, quyết định cho áp dụng chính thức", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ.
Ngoài ra, đối với nhóm các chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng cũng có cách tiếp cận khác với đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 để quy định nội dung này thay vì ban hành nghị quyết mới để quy định việc thí điểm bổ sung các chính sách đặc thù mới như đối với nghị quyết về tỉnh Nghệ An.
Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết đồng ý việc điều chỉnh các nội dung như tờ trình của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết về vấn đề này để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong ngày mai (16/4).
Trước ý kiến còn băn khoăn về tên gọi “Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết sẽ trình đúng như tên gọi hiện nay, trong quá trình Quốc hội thảo luận có thể đề nghị sửa cho phù hợp.
Với nghị quyết liên quan đến cơ chế đặc thù cho Nghệ An, Đảng đoàn Quốc hội đồng ý thêm chữ “bổ sung” để tránh trùng với tên gọi hiện nay, tức sẽ là Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.