Diễn biến tiêu cực bất ngờ xuất hiện trong phiên đầu tuần 15/4, khi VN-Index giảm 60 điểm, tương đương 4,7%. Đây là mức giảm sâu cả về số tuyệt đối và tương đối. Lần gần nhất chỉ số giảm trên 50 điểm là vào 18/8/2023 (giảm 55 điểm tương đương 4,5%).
Áp lực bán tháo dâng cao về cuối phiên chiều 15/4, lệnh bán MP xuất hiện dày đặc khiến nhiều cổ phiếu bị đẩy xuống mức giá thấp nhất phiên. Các dòng giảm mạnh nhất là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí, thép.
10 mã tác động thị trường tiêu cực nhất gồm VHM, VIC, TCB, VPB, FPT, BCM, MSN, VRE, MWG, ACB. Riêng nhóm này đã đóng góp gần 27 điểm ở chiều kéo giảm.
Sau 14h00, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sàn, tác động tiêu cực đến tâm lý toàn thị trường. Trên HOSE, số mã nằm sàn đạt 109 cổ phiếu, riêng rổ VN30 có 6 mã VRE, BCM, BID, GVR, SSI và MSN. Tính trên toàn thị trường, phe bán áp đảo với 886 mã giảm (bao gồm hơn 150 mã sàn), trong khi chỉ có 142 mã tăng và 126 mã tham chiếu.
Bình luận về diễn biến đầy bất ngờ, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, thực chất phiên giảm điểm hôm nay (15/4) không quá bất ngờ nếu dựa trên bối cảnh trong nước và thế giới. CPI của Mỹ tiếp tục tăng và lộ trình hạ lãi suất sẽ chậm hơn kỳ vọng. Đồng USD tiếp tục mạnh lên, thị trường hàng hóa tăng mạnh. Cùng với đó là xung đột địa chính trị tiếp tục leo thang.
Về trong nước, thị trường đang chịu áp lực về yếu tố tỷ giá, khối ngoại liên tục bán ròng, dự nợ margin hiện rất cao. Thị trường đã có sự suy yếu từ trước mặc dù điểm số hồi phục cuối tuần qua.
“Phiên hôm nay đã cho dấu hiệu kết thúc dứt khoát xu hướng tăng ngắn hạn. Thị trường cần thời gian để tìm điểm cân bằng, do đó nhà đầu tư không cần vội vàng. Vùng hỗ trợ dài hạn quanh đường trung bình MA200 ở vùng 1.180 – 1.200 điểm. Nếu phá vỡ vùng này, thị trường khả năng sẽ rơi rất sâu.”, ông Bùi Văn Huy chia sẻ.
Ông Phạm Hoàng Quang Kiệt, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích FIDT, nhận định trong ngắn hạn, trước tình hình tỷ giá căng thẳng, thanh khoản sụt giảm rõ và nhà đầu như ngoại liên tục bán ròng, việc thị trường giảm sâu thật sự không quá bất ngờ.
VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục phản ánh bức tranh tiêu cực ở hiện tại và tiếp tục giảm điểm trong tuần, hướng đến 1.200 sẽ là vùng quan trọng cần kiểm chứng, trước khi thị trường có thể tạo một xu hướng mới.
“Các cổ phiếu đã có đà tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm sẽ chứng kiến sự điều chỉnh mạnh tương ứng. Tuy nhiên, thị trường sẽ xuất hiện sự phân hóa mạnh và những ngành có câu chuyện riêng dự kiến có thể bứt phá trong thời gian tới, đó cũng sẽ là cơ hội để nhà đầu tư phân bổ lại danh mục của mình.”, ông Kiệt nhận định.
Khuyến nghị đối với nhà đầu tư tham gia giao dịch ngắn hạn, ông Bùi Văn Huy cho biết 15/4 là phiên xác nhận việc nên ưu tiên quản trị rủi ro ngắn hạn. Nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều cổ phiếu nên hạ về mức an toàn, tuyệt đối không dùng đòn bẩy cao lúc này.
Với nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng tiền mặt cao, có thể cân nhắc ở quanh ngưỡng hỗ trợ dài hạn như đề cập ở trên (1.180 – 1.200 điểm).
“Nhà đầu tư cần theo dõi kỹ 3 trụ cột tăng giá năm 2024 gồm: (1) môi trường lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ; (2) sự phục hồi kinh tế trong nước; và (3) kỳ vọng nâng hạng thị trường và KRX. Nên tập trung vào các cổ phiếu theo câu chuyện này, đi ‘lạc sóng’ rất khó kiếm lãi trong năm nay, như những gì thị trường đã diễn biến trong suốt thời gian qua.”, chuyên gia của DSC khuyến nghị.
Ông Phạm Hoàng Quang Kiệt khuyên nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao (>70%) nhưng chưa có sự chuẩn bị cho nhịp giảm mạnh, nên giữ bình tĩnh và không bán cổ phiếu trong trạng thái hoảng loạn. Nhà đầu tư nê ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện tại là quan sát các tín hiệu của phục hồi và hạ các cổ phiếu có beta cao (biến động lớn với thị trường) trong danh mục, tỷ trọng hợp lý giúp cân bằng danh mục sẽ ở mức 30 - 40%.