Tài chính

Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay chiều 15-4.

Như vậy, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ quay trở lại đấu thầu vàng miếng SJC để tăng nguồn cung vàng ra thị trường.

Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo đấu thầu trước một ngày đấu thầu.

Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.

Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.

Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.

Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28-3-2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.

Diễn biến thị trường, lúc 15h40 hôm nay 15-4, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào - bán ra lần lượt 81,8 triệu đồng/lượng và 84,1 triệu đồng/lượng.

Còn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC được thông báo giá mua vào 82,55 triệu đồng/lượng, bán ra 84,55 triệu đồng/lượng.

Tại Doji, vàng miếng SJC được bán ra 84,1 triệu đồng/lượng, còn mua vào 81,8 triệu đồng/lượng

Như vậy, so với mức giá chốt phiên chiều qua, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/lượng cả hai chiều tùy theo từng cửa hàng.

Đối với vàng miếng và vàng nhẫn tròn trơn Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, giá mua vào và bán ra có chung mức là 75,28 triệu đồng/lượng (mua vào), 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, so với chốt phiên chiều qua, giá vàng Rồng vàng Thăng Long tăng 600.000 đồng/lượng

Trước diễn biến lên xuống liên tục trong hai tháng trở lại đây, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Trung Đông ngày càng phức tạp, khó lường, Bảo Tín Minh Châu khuyên nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch.

Theo các chuyên gia, căng thẳng khu vực Trung Đông gia tăng, đẩy giá vàng liên tục lập kỷ lục mới. Giá vàng thế giới ngày 15-4 tăng trở lại, ở thời điểm 16h đạt 2.349 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá đạt 71,828 triệu đồng/lượng.

Cuối tuần trước, ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao.

Trao đổi với báo chí, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định sẽ thực hiện tăng cung vàng miếng. Mục đích để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới.

Bên cạnh đó, ngay trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp vàng và ngân hàng.

Ông Hà cho biết thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế.

Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các ngân hàng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm