Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long. Được biết đến là một trong những khai quốc công thần, quân sư, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc.
Trong các bộ phim truyền hình, nhân vật này thường được khắc họa với hình ảnh mặc áo Bát Quái, tay cầm quạt lông, ngồi trên xe đẩy. Trong đó, quạt lông vũ là vật bất ly thân, đi theo "thần cơ diệu toán" trong khắp các cuộc chiến lớn nhỏ và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đội quân.
Chúng ta thường biết đến hình ảnh chiếc quạt lông của Gia Cát Lượng chủ yếu thông qua “Tam quốc diễn nghĩa”. Tuy nhiên, việc "thần cơ diệu toán" thích cầm quạt lông không phải là sáng tạo hư cấu của La Quán Trung mà thực tế trong chính sử, Gia Cát Lượng cũng thường cầm quạt lông vũ.
Loại quạt này có niên đại lâu đời nhất trong họ quạt và có lịch sử hơn 2.000 năm ở Trung Quốc. Trong giai đoạn lịch sử từ cuối thời nhà Hán đến các triều đại Ngụy, Tấn, Nam và Bắc triều, chiếc quạt lông vũ đã trở thành hình ảnh quen thuộc được các nhà văn thơ đưa vào các tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy có thể thấy rằng việc Gia Cát Lượng sở hữu một cái quạt là rất bình thường, phù hợp với xu thế lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, rốt cuộc chiếc quạt này có ý nghĩa gì mà khiến Gia Cát Lượng không thể rời tay, thậm chí mang theo khi nhắm mắt xuôi tay?
Có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải câu hỏi này:
Giả thuyết thứ nhất cho rằng Gia Cát Lượng sử dụng quạt lông vũ trắng để chắn gió, tránh bụi. Theo đó, ngoài công dụng làm mát, thể hiện khí chất tao nhã của một bậc quân sư, chiếc quạt này được xem là công cụ bảo vệ "thần cơ diệu toán" khỏi lớp cát bụi và gió nơi sa trường.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng đã dẫn quân của mình trong một số cuộc viễn chinh về phương bắc. Những nơi Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý cùng các tướng Ngụy khác giao chiến chủ yếu có gió to, bụi bay nên việc Gia Cát Lượng dùng quạt lông vũ để chắn gió và cát bay cũng rất hợp lý.
Giả thuyết thứ hai cho rằng việc Gia Cát Lượng luôn cầm quạt là để sử dụng cho việc chỉ huy quân đội tác chiến. Ϲăn cứ theo ghi chép trong sử liệu và nghiên cứu của nhà sử học Chu Nhất Lương (Trung Quốc), do quạt lông vũ trắng có màu trắng tinh, dễ được thuộc hạ nhận biết, đây là lý do cốt lõi nhất. Vào thời Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều tại quốc gia này, những vật dụng có màu trắng cũng thường được nhiều vị tướng sử dụng để chỉ quy quân đội. Vì vậy, rất có thể Gia Cát Lượng cũng bị ảnh hưởng bởi điều này.
Giả thuyết thứ ba cho rằng chiếc quạt lông vũ trắng chính là món quà của người vợ Hoàng Nguyệt Anh nên Gia Cát Lượng luôn mang quạt theo bên mình. Hoàng Nguyệt Anh vốn là con gái của Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh. Tương truyền khi còn nhỏ, Hoàng Nguyệt Anh là một nữ nhi xuất chúng, bà theo học một danh sư trên núi. Về sau, người thầy này đã tặng cho Hoàng Nguyệt Anh chiếc quạt lông ngỗng bên trên có hai chữ "Minh" và "Lượng" và nói đây chính là tên phu quân sau này của bà.
Sau này, khi Gia Cát Lượng tìm đến cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng ông chiếc quạt lông đó coi như kỷ vật. Chứng kiến ông có nét ưu tư, lo lắng khi bàn chuyện chính sự, bà mong chồng có thể che mặt những lúc như vậy để tránh làm lộ cảm xúc của bản thân. Vì vậy sau này, Gia Cát Lượng luôn mang theo chiếc quạt lông không rời tay, vừa như để trân trọng tấm lòng của người vợ, vừa như để tự nhắc mình: Đại trượng phu làm việc lớn phải biết tiết chế, làm chủ cảm xúc.
Cho đến nay, những câu chuyện liên quan về chiếc quạt lông vũ trắng của Gia Cát Lượng vẫn chỉ dừng lại ở những lời đồn đoán mà chưa có câu trả lời chính xác. Tuy vậy, dù có nguồn gốc ra sao thì chúng ta vẫn phải công nhận một điều rằng, chiếc quạt này chính là vật gắn liền với tên tuổi của Gia Cát Lượng và sự nghiệp của ông.
(Theo Sohu)