Nhân sự Gen Z, đi làm vì đam mê?
Thời điểm hiện tại, khi mà các Gen X và Y đã có cho mình khoảng thời gian tích lũy kinh nghiệm làm việc và vốn sống thì có xu hướng mong muốn ổn định, ít thay đổi công việc. Nhưng với Gen Z thì khác hẳn, một phần do có sự tác động lớn sau Covid tạo xu hướng làm việc tự do (freelancing), hoặc làm nhiều công việc một lúc. Họ thích hoạt động thay đổi công việc hoặc nơi làm việc, vì cho rằng luôn có những thứ mới lạ cần tìm hiểu. Chính vì thế, họ có thể ít gắn bó hơn với một công việc hoặc một nơi làm việc lâu dài.
Đó cũng chính là lý do nhân sự Gen Z bị gán mác “cả thèm chóng chán”, “đi làm vì đam mê”,...
Nhưng nhìn vào mặt tích cực, với tâm thế của một người trẻ ưa khám phá bản thân, sẵn sàng chấp nhận những thử thách, thế hệ Gen Z chính là tác nhân không thể thiếu giúp ngành nhân sự chuyển mình để theo kịp thời đại.
Vậy, đối mặt với bài toán thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài đang có độ khó cực cao, bạn đã kịp chuẩn bị những gì cho nghề nhân sự (HR) thời Gen Z này rồi?
Cuốn sách “Quản trị nhân sự thời Gen Z” hứa hẹn sẽ đem đến lời giải thỏa đáng mà những người làm nhân sự đang tìm kiếm.
Góc khuất nghề nhân sự thời đại mới
Ngay từ những chương đầu cuốn sách, tác giả đã cho chúng ta một cái nhìn khái quát về ngành nhân sự, chân dung nhân sự thời đại mới. Chỉ rõ vấn đề, cảnh tỉnh người trong ngành hiện tượng “sức khỏe công ty” yếu kém do thiếu nhân sự cốt lõi, thiếu nhân sự sẵn sàng để thay thế, dẫn đến sự sụp đổ từ bên trong. Những thách thức và biến động trong ngành không chỉ đến từ các yếu tố bên ngoài mà còn từ nội tại con người và tổ chức.
“Quản trị nhân sự thời Gen Z” còn tái hiện lại bức tranh một ngày đi làm của người làm nghề nhân sự chân thực đến giật mình. Bởi trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là những người “ngoại đạo”, nhân sự là công việc dễ dàng và nhàn hạ, nhưng đó mới là bề nổi của tảng băng chìm, mà phần chìm được quyết định bằng rất nhiều nhiệt huyết, cống hiến và sự yêu nghề.
Người trong nghề cũng như người muốn chuyển hướng theo đuổi nghề nhân sự cũng sẽ dễ dàng tìm được lộ trình phát triển sự nghiệp trong cuốn sách. Bên cạnh đó là những kỹ năng, kiến thức cần cập nhật để có thể sẵn sàng “trầy da tróc vảy” trên con đường trở thành HR chuyên nghiệp.
Các bạn sẽ thấy người làm nhân sự thành công thường có bóng dáng của nhà lãnh đạo. Trích dẫn lời của nhân vật mà tác giả nhắc tới, Chị Vương Thanh Nga - một chuyên gia về headhunt tại Việt Nam: “Các ông chủ thực chất là những người làm nhân sự giỏi nhất, đặc biệt ở các doanh nghiệp lớn. Bởi chắc chắn không có ông chủ nào xây dựng cơ nghiệp chỉ bằng sức lực bản thân mà họ phải quy tụ những người phù hợp để cùng làm với mình; duy trì được sự trung thành, cống hiến của họ trong suốt giai đoạn phát triển của doanh nghiệp; sắp xếp người vào đúng vị trí, người tài dùng sai thì cũng là lãng phí mà người trung bình dùng đúng lại trở thành nhân tài”.
Cuốn “Quản trị nhân sự thời Gen Z” chính xác như một cuốn cẩm nang cho nghề HR thế hệ mới. Với cách đặt vấn đề trực quan, dễ hiểu với Case study kinh điển đến từ Apple, Coca Cola, IBM…
Tác giả Hồng Duyên - một tiến sĩ kinh tế, cũng từng là nhân sự kỳ cựu cống hiến cho các tổ chức lớn như VMG, OCD, DOJI, Vingroup, Vinbrain,... đã chia sẻ quan điểm vô cùng tâm đắc: “Chúng ta không chỉ chọn một công việc, chúng ta đang chọn một sự nghiệp, chúng ta sẽ được tạo cơ hội để làm việc nhưng muốn ghi dấu ấn bản thân mình như thế nào trong sự nghiệp đó phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của mỗi người”.