Mốc 1.200 điểm thần thánh của chứng khoán Việt Nam
Phải mất hơn 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam mới lấy lại mốc 1.200 điểm vào ngày 9/4/2018. Hưởng niềm vui vỏn vẹn một ngày, nhà đầu tư lỡ “đu đỉnh” phải chờ đợi thêm gần 3 năm để nhìn lại mốc 1.200 điểm vào tháng 1/2021.
Dù được hậu thuẫn mới dòng tiền lớn FOMO, VN-Index “năm lần bẩy lượt” mới chính thức bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự tâm lý trên vào ngày 1/4/2021. Vượt qua ngưỡng 1.200 điểm, chỉ số đi tìm các đỉnh cao mới một cách dễ dàng 1.300, 1.400 thậm chí là 1.500 điểm.
Với nhiều nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, 1.200 điểm là ngưỡng “thần thánh” bởi nó để lại nhiều kỷ niệm buồn nhiều hơn là vui. Cũng tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm, nhà đầu tư của năm 2007 trải qua những ngày mua bán chứng khoán bằng phiếu lệnh viết tay, đứng xếp hàng ở công ty chứng khoán chứ không phải ngồi nhà đặt lệnh bằng điện thoại thông minh như bây giờ.
Thông tin Việt Nam gia nhập WTO đẩy chứng khoán tăng dựng đứng năm 2006 - 2007 để rồi lại lao dốc theo kiểu “lên thế nào xuống thế đó”. Nhắc đến câu chuyện đầu tư chứng khoán năm đó, những cổ phiếu thị giá hàng trăm nghìn mà không bao giờ được nhìn lại như PVD, ACB, BMC…
Đầu tư chứng khoán như kỷ niệm buồn với những lứa “chứng sỹ” đời đầu khi trải qua chuỗi ngày chất bán cổ phiếu giá sàn hàng tháng trời không có người mua.
Nhưng phải nói rằng ngày đó thị trường không có nhiều hàng hóa như bây giờ, trong khi nhà đầu tư lại “chân ướt chân ráo” vào chứng khoán và mua lấy được, miễn sao có thể khớp lệnh được. Theo ước tính của IMF, P/E trung bình của 20 công ty lớn nhất HOSE (chiếm 99% vốn hóa) là khoảng 73 lần.
Năm 2018, VN-Index lại một lần nữa thất bại tại mốc 1.200 điểm với mức định giá được cho là đã cao lên đến 22 lần. Sang đến 2022, nhà đầu tư không ngờ thị trường trở lại mốc 1.200 điểm khi kinh tế vĩ mô Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và ổn định.
Đáng nói, thị trường trong giai đoạn thay đổi đáng kể về chất và lượng. Sau hơn 2 năm thăng hoa, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hàng triệu tài khoản giao dịch và rót thêm nhiều tỷ USD vào kênh đầu tư này. Thời điểm cuối tháng 4/2022, Việt Nam đã có gần 5,2 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước.
Bởi vậy việc VN-Index về dưới ngưỡng 1.200 điểm, khiến nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam không khỏi thắc mắc. Trên các diễn đàn chứng khoán, trong cơn bĩ cực, VN-Index được đem ra ví “đứa trẻ không lớn” khi chỉ số chứng khoán của nhiều thị trường châu Á tăng bằng lần giai đoạn 2007 – 2022 như Ấn Độ, Sri Lanka, hay các nước ASEAN (Indonesia, Philippines)…
Mốc 1.200 điểm nói lên được điều gì?
Sự so sánh về quy mô vốn hóa và mức định giá sẽ là câu trả lời. Sau hơn 1 năm bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm, VN-Index rớt khỏi mốc này trong phiên 13/5 xuống còn 1.182,77 điểm. Giá trị vốn hóa sàn HOSE sau khi bị thổi bay hơn 1,3 triệu tỷ đồng giảm xuống còn 4.693.644 tỷ đồng. Tại ngày 9/4/2018, VN-Index đóng cửa tại ngưỡng 1.204,33 tỷ đồng, tương ứng giá trị vốn hóa sàn HOSE là 3.269.948 tỷ đồng.
Như vậy, dù tương quan về mức điểm số thị trường, vốn hóa của sàn HOSE tăng thêm 1.423.696 tỷ đồng (61,64 tỷ USD). Con số trên phần nào phá tan định kiến “đứa trẻ không bao giờ lớn” khi nhìn phiến diện vào mức điểm 1.200 điểm của VN-Index.
Nói thêm, ở cùng ngưỡng 1.200 điểm, nhưng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đã hấp dẫn hơn rất nhiều. Theo Bloomberg, P/E của VN-Index ở thời điểm này khoảng 13,x lần, hấp dẫn hơn nhiều so với mức 22,x lần của tháng 4/2018. Nhìn vào P/E không ai biết được VN-Index đã tạo đáy hay chưa, song việc định giá thấp hơn mức trung bình của 5 năm, 10 năm đồng nghĩa thị trường chứng khoán Việt Nam đang định giá rẻ trong mắt nhiều người.
61,6 tỷ USD vốn hóa tăng thêm ý nghĩa thế nào?
Trở lại câu chuyện vốn hóa, vậy gần 62 tỷ USD giá trị tăng thêm trên HOSE đến từ đâu.
Thống kê từ HOSE, trong khoảng thời gian từ ngày 9/4/2018 đến 13/5/2022, thị trường có thêm 28,8 tỷ cổ phiếu niêm yết mới, 38,3 tỷ cổ phiếu niêm yết bổ sung trong khi có 1,8 tỷ cổ phiếu hủy niêm yết. Giá trị vốn hóa tăng lên đến từ các thương vụ niêm yết mới, phát hành của doanh nghiệp (trả cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ).
Trong khoảng thời gian này, sàn HOSE đón nhiều cái tên mới như Techcombank, Vinhomes, Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), Becamex (BCM), SHB, SeABank, ACB, LPB, VIB, Vietnam Airlines, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang… Nhiều công ty đã phát triển và tăng quy mô thêm hàng tỷ USD vốn hóa như Hòa Phát, Chứng khoán SSI, Chứng khoán VNDirect…
Hoạt động IPO, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ giúp các doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường chứng khoán để đưa vào sản xuất kinh doanh với quy mô nhiều tỷ USD. Tới đây, để thấy dù không thay đổi về mặt điểm số chứng khoán, nhưng sự lớn mạnh về quy mô vốn hóa đã cho thấy vai trò đủ lớn của thị trường chứng khoán. Đây vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp niêm yết.