Glôcôm (dân gian còn gọi là bệnh cườm nước) là một bệnh lý do tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, đặc trưng bởi tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng nhãn áp (áp lực bên trong mắt) tăng. Theo thống kê, ước tính sẽ có khoảng 118 triệu người mắc bệnh glôcôm trên thế giới vào năm 2040 và có tới hơn một nửa số bệnh nhân không biết mình đang mắc phải căn bệnh này.
Glôcôm có thể xuất hiện ở bất kỳ ai
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, glôcôm là bệnh lý ở mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và độ tuổi nào. Trong đó, nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm: người trên 40 tuổi; người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch; người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh; người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, người có tiền sử chấn thương ở mắt và người có tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm (yếu tố di truyền khiến trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc glôcôm).
Glôcôm - “kẻ cắp ánh sáng” thầm lặng
Glôcôm thường được phân loại thành 2 thể là glôcôm góc mở và glôcôm góc đóng. Glôcôm đóng thường xảy ra do tượng nghẽn đồng tử, khiến thủy dịch (một chất lỏng tự nhiên được sản xuất liên tục ở mặt trước của mắt) bị cản trở không lưu thông, gây nên tình trạng tăng nhãn áp bên trong mắt. Trong khi đó, glôcôm góc mở thường do quá trình xơ hóa vùng bè hoặc do sự chênh lệch áp lực tiền phòng, khiến thủy dịch không thể lưu thông.
Với glôcôm cấp tính, người bệnh thường gặp những dấu hiệu dễ nhận biết như nhìn mờ,đỏ mắt, nhìn đèn thấy có quầng màu sắc, thậm chí có thể thấy buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, giảm thị lực trầm trọng, sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Tuy nhiên đối một số thể glôcôm mãn tính như glôcôm góc đóng nguyên phát mãn tính, glôcôm góc đóng nguyên phát không có nghẽn đồng tử hay glôcôm góc mở nguyên phát thì triệu chứng thường không rõ ràng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Anh Tuấn chia sẻ “Glôcôm ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh cũng tiến triển một cách từ từ và không có các dấu hiệu cụ thể nên có không ít bệnh nhân chỉ tìm tới các cơ sở chuyên khoa mắt khi cảm thấy mắt mờ nhiều hay đã mất đi một phần thị trường. Đáng tiếc là lúc này bệnh đã chuyển biến sang giai đoạn nặng và nguy cơ mù lòa là rất cao.”
Khám mắt định kỳ là chìa khóa giúp bảo vệ thị lực
Theo lời khuyên của chuyên gia, cách duy nhất để phát hiện và chữa trị glôcôm kịp thời trong giai đoạn đầu là bệnh nhân, đặc biệt là những người nằm trong nhóm nguy cơ cao, cần chủ động trong việc tầm soát và thăm khám mắt định kỳ. Cụ thể đối với người từ 40 tuổi trở lên nên đi thăm khám mắt với tần suất 1 năm/ lần, 6 tháng/lần với người có người thân mắc bệnh glôcôm.
Mặc dù glôcôm không thể hoàn toàn điều trị dứt điểm, nhưng khi được phát hiện sớm hầu hết các ca đều có thể được kiểm soát thành công. Tùy từng dạng glôcôm mà người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như kết hợp điều trị thuốc và dùng laser hoặc phẫu thuật. Điều quan trọng là người bệnh cần được kiểm tra nhãn áp định kỳ, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo hẹn để duy trì sự ổn định của nhãn áp.
Để được tư vấn chi tiết về các gói khám và điều trị bệnh glôcôm, liên hệ Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản theo điện thoại: 0902242291 - 02437153666; địa chỉ: Số 32, Phó Đức Chính, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Xem thêm thông tin tại website.