Pyn Elite Fund chỉ ra các cổ phiếu có mức giảm mạnh gồm HDG (giảm 6,6%), ACV (giảm 6,7%), và VHM (giảm 13,2%). Chiều ngược lại, các mã ngân hàng STB, CTG và TPB đóng vai trò trụ đỡ danh mục trong tháng 8.
Quỹ ngoại cho biết kết quả đi lùi trong tháng 8 vừa qua do VNĐ suy yếu 1,6% so với USD. Đầu tháng 8, giữa bối cảnh tiêu cực việc ông lớn bất động sản Trung Quốc Evergrande nộp đơn phá sản và biến động giá cổ phiếu VinFast, nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô để chốt lãi khi VN-Index đã tăng 20% kể từ tháng 4.
Tình hình được cải thiện đáng kể sau khi Ngân hàng Nhà nước trì hoãn thực thi một số quy định nghiêm ngặt hạn chế cho vay. Điều này giúp các nhà phát triển bất động sản dễ dàng tiếp cận hơn vốn vay ngân hàng.
Thanh khoản trung bình phiên trên thị trường chứng khoán tăng vọt lên 1,1 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 4/2022.
Về vĩ mô tháng 8, Pyn Elite Fund chỉ ra nền kinh tế tiếp tục phục hồi: giá trị hàng xuất khẩu hàng tháng đã tăng đều đặn kể từ tháng 4, và tháng 8 cho thấy sự cải thiện 7,7% so với tháng trước (dù vẫn giảm 7,6% so với mức cơ sở cao của năm 2022), mức tồn khi toàn cầu giảm và nhu cầu quay lại. Sản lượng công nghiệp tăng trong tháng thứ 4 liên tiếp (tăng 2,6% so với cùng kỳ). Doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ nhờ hoạt động du lịch tiếp tục phục hồi. Lượt hách du lịch quốc tế đạt 1,2 triệu (tăng 17,2% so với tháng trước, tăng 150% so với cùng kỳ) – kỷ lục tháng cao nhất kể từ thời kỳ hậu COVID-19. Trong 8 tháng đầu năm, đầu tư công tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước lên mức 12,7 tỷ USD.
Chứng khoán Việt Nam vẫn đang có mức định giá hấp dẫn
Tại báo cáo gửi đến nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund nhận định trong 8 tháng qua, đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam đã giảm từ 5% xuống 2,5%, phản ánh xu hướng lãi suất, chi phí vốn đã giảm đáng kể với thị trường trong nước. “Lãi suất liên ngân hàng đã giảm xuống 0,17%, cho thấy thanh khoản hệ thống tài chính rất mạnh”, ông Petri đưa quan điểm.
Nhà quản lý quỹ dự báo rằng các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng được thực hiện vào cuối năm 2022 sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023, tiền mặt sẽ được tái phân bổ cho các kênh đầu tư khác, chẳng hạn như cổ phiếu.
“Chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rõ ràng sẽ tăng tốc trong mùa thu nhờ các giải pháp đã được thực hiện. Nhờ những yếu tố như vậy, có lý do để tin rằng năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi tin rằng tiền mặt trong nước sẽ trở lại cổ phiếu và chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong mùa thu này. Tâm lý lạc quan có thể sẽ tiếp tục kéo dài cho đến năm 2024”, ông Petri Deryng nhấn mạnh.