Doanh nghiệp

PVOil cân nhắc cho phép sạc điện ở cây xăng

Trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/4, nhiều cổ đông Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, mã chứng khoán OIL) quan tâm tới xu hướng chuyển đổi nhiên liệu từ xe chạy xăng sang xe điện sẽ ảnh hưởng ra sao tới hoạt động kinh doanh của PVOil tới đây.

Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐTV PVOil nói xu hướng chuyển đổi này là tất yếu và chắc chắn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PVOil trong 5-10 năm tới.

"Chúng tôi vẫn đang theo dõi xu hướng này, và tranh thủ cơ hội hợp tác với các đối tác để chuyển đổi cây xăng truyền thống thành các trạm dịch vụ vừa cung cấp xăng dầu, vừa là trạm sạc cho xe điện. Hoặc có thể chuyển đổi hoàn toàn một số cây xăng dầu truyền thống thành các trạm sạc xe điện để bắt kịp xu hướng chuyển đổi mới", ông nói.

Hiện Chính phủ nhiều nước và các hãng sản xuất ôtô toàn cầu đã đưa ra chính sách, chiến lược cũng như thời gian cho việc 'khai tử" xe chạy xăng để chuyển sang xe điện. Ở trong nước đã có hãng sản xuất ôtô tuyên bố dừng sản xuất xe chạy xăng dầu từ cuối năm 2022 để chuyển hẳn sang xe điện.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi năng lượng này nhưng quá trình này diễn ra nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc vào chính sách và phát triển hạ tầng trạm sạc.

Ban lãnh đạo PVOil trả lời cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ngày 28/4. Ảnh: Anh Minh

Ban lãnh đạo PVOil trả lời cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ngày 28/4. Ảnh: Anh Minh

Tại đại hội, các cổ đông cũng chất vấn ban lãnh đạo PVOil về kế hoạch phi xăng dầu tại các cây xăng. Đây là kế hoạch này từng nhiều lần được lãnh đạo PVOil đề cập các năm trước nhưng tới nay vẫn chưa triển khai rộng.

Theo Chủ tịch PVOil, kế hoạch mở các cửa hàng tiện ích, phát triển dịch vụ phi xăng dầu vẫn được doanh nghiệp này theo đuổi. Trước đây, họ kết hợp cùng đối tác bán lẻ triển khai nhưng do khác biệt về chiến lược nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Do đó, PVOil quyết định tự phát triển mô hình này. Nửa cuối năm ngoái, hai cửa hàng tiện ích tại các trạm xăng dầu đầu tiên ở Hà Nội đã được PVOil đưa vào thử nghiệm.

Theo ông Dương, với việc sở hữu trực tiếp hơn 630 cửa hàng xăng dầu, doanh nghiệp này có lợi thế lớn khi bước chân vào lĩnh vực bán lẻ thông qua mở cửa hàng bán lẻ hay chuỗi cửa hàng tiện lợi.

"Sau nửa năm 'chạy', kết quả kinh doanh khá khả quan và chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ này nhưng làm thận trọng, phát triển tới đâu chắc tới đó", ông Dương nhấn mạnh.

Ngoài chiến lược phát triển, nhiều cổ đông quan tâm tới việc thoái vốn tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (PETEC), cũng như chờ đợi kế hoạch chuyển sàn của cổ phiếu OIL để có vốn hoá tốt hơn.

Ông Lê Văn Nghĩa, thành viên HĐQT, chia sẻ thoái vốn tại PETEC là một trong những nhiệm vụ của kế hoạch tái cấu trúc được chú trọng trong năm nay. Quá trình định giá tại đây đã tiến hành xong, nhưng mấu chốt để thoái vốn được tại PETEC là phải hoàn thành quyết toán cổ phần hoá doanh nghiệp này.

Hồ sơ quyết toán đã được các bộ, ngành thông qua và công tác quyết toán Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng các bộ, ngành thực hiện. Nhưng tới giờ vẫn chưa có tiến triển gì mới, chưa có mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Một cổ đông đặt câu hỏi, lỗ luỹ kế của doanh nghiệp gần hết, khi nào cổ phiếu của PVOil được chuyển sàn, niêm yết tại HoSE. Trả lời, ông Nghĩa cho biết một cổ phiếu muốn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thì phải đủ 3 điều kiện, là hết lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính hợp nhất, không còn điểm loại trừ trên báo cáo tài chính và ROE năm gần nhất từ 5% trở lên.

Hiện PVOil chưa đạt được các điều kiện này khi còn khoản lỗ luỹ kế hơn 400 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất, dù công ty mẹ đã hết lỗ luỹ kế. "Nếu hoàn thành kế hoạch năm 2022, thị trường ổn định, năm nay sẽ hết lỗ luỹ kế", ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp này vẫn còn các điểm loại trừ trên báo cáo tài chính là phần quyết toán cổ phần hoá tại PETEC, một số thủ tục đất đai của PVOIl Sài Gòn...

Vì thế, lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, ngay khi đáp ứng được các điều kiện niêm yết trên sàn HoSE, sẽ cân nhắc tới việc chuyển sàn cho cổ phiếu OIL.

Năm nay, PVOil đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 45.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 500 tỷ. Các kịch bản này được tính toán trên giá dầu 60 USD một thùng.

Tuy nhiên, nhờ giá dầu tăng nên quý I, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu gần 23.290 tỷ đồng, tăng 98% cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 353 tỷ đồng, tăng 71% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ ghi nhận lãi trước thuế 294 tỷ đồng, tăng 42% cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm.

Việc mở mới cửa hàng xăng dầu cũng đạt được một nửa kế hoạch trong 3 tháng đầu năm, với 22 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng thuộc hệ thống lên 633 cửa hàng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm