Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Masan Group, CEO Danny Lê cho biết hiện nay Gen Z và Millennial ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tổng chi tiêu tiêu dùng của người Việt và dành khá nhiều thời gian trên các nền tảng số. Nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ đang yêu cầu được tiếp cận những sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa một cách thuận tiện và dễ dàng.
Tổng giám đốc Masan cũng giới thiệu mô hình Mini Mall, một trung tâm mua sắm thu nhỏ. Mô hình này sẽ tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm (lifestyle) tại một điểm bán WinMart+ duy nhất. Điểm bán này sẽ có các dịch vụ, sản phẩm của Phúc Long, Techcombank, Reddi và quầy thuốc.
Bên cạnh đó, tập đoàn đang mở rộng danh mục sản phẩm và dịch vụ, liên tục ứng dụng công nghệ để đáp ứng các kỳ vọng của người tiêu dùng. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (ML) sẽ cho phép Masan hiểu được người tiêu dùng cũng như thiết kế một chương trình khách hàng thân thiết hiệu quả, gia tăng tương tác với khách hàng.
Để làm được điều đó, Masan đã hợp tác với công ty phần mềm Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd. (“Trusting Social”) có trụ sở tại Singapore thông qua đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của công ty này.
Trusting Social (TS) là doanh nghiệp Fintech tích hợp AI, với mong muốn phổ biến các dịch vụ tài chính thông qua việc tích hợp AI vào phân tích hiểu biết về người tiêu dùng và thị trường tài chính. Bằng việc cung cấp dữ liệu chuyên sâu về tín dụng của hơn 1 tỷ người dùng cho hơn 170 tổ chức tài chính trên khắp Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines, TS đang tham gia thúc đẩy giải quyết vấn đề Tài chính toàn diện.
Ông Danny Lê cho biết thỏa thuận hợp tác với Trusting Social cũng sẽ giúp Masan phát triển một nền tảng công nghệ đột phá tương tự để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với nhau, Masan sẽ sẽ đưa dịch vụ đánh giá tín dụng của Trusting Social trở thành một giải pháp tiêu dùng toàn diện.
Tổng giám đốc Trusting Social - ông Nguyễn An Nguyên cho biết thêm, TS cùng với Masan sẽ tạo nên các nền tảng làm cơ sở cho các sản phẩm đột phá cho tương lai. Đầu tiên là nên tảng siêu cá nhân hóa, tức sẽ biết khách hàng cần cái gì trước khi họ mua hàng. Thứ hai là nền tảng khách hàng thân thiết, với hệ sinh thái khách hạng đa dạng như Masan và thông qua Merchine Learning, Big Data thì Masan sẽ hiểu được thêm về nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn. Cuối cùng là nền tảng tiếp cận tài chính thông qua các sản phẩm như thẻ tín dụng, bảo hiểm vi mô, tiết kiệm vi mô,…
Ông Nguyên cho biết mục tiêu năm nay là mở mới một triệu thẻ tín dụng. Đây là thẻ 3 trong 1 bao gồm thẻ tín dụng EVO, thẻ khách hàng thân thiết của hệ thống siêu thị Winmart và nhà mạng ảo Reddi.
Sản phẩm thẻ tín dụng Evo không đòi hỏi các giấy tờ chứng minh thu nhập như ngân hàng, thủ tục mở thẻ tiến hàng hoàn toàn online và chỉ mất ba phút. Đây sẽ là lợi thế lớn bởi 80% người Việt Nam không thể chứng minh được thu nhập cố định.
Trong buổi họp, các khách mời và cổ đông cũng đã được trải nghiệm tham gia mở thẻ Evo trực tuyến. Chỉ trong 10 phút, đã có 2.682 chiếc thẻ được mở thành công, tổng hạn mức tín dụng được cấp là 814 tỷ đồng.
Về câu hỏi liệu Masan có nâng tổng sở hữu của mình tại TS lên 51% hay không, ông Danny Lê cho hay, TS là một mảng kinh doanh đặc thù trải dài không chỉ Việt Nam mà còn các nước như Indonesia, Ấn Độ và Philippines. Do đó, thời điểm hiện tại thì Masan chưa có kế hoạch thêm về việc nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại TS.